Những bất cập được chỉ ra qua khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam đã đặt ra nhiều vấn đề về tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Không bảo đảm chi phí hoàn trả mặt bằng sau khai thác
Những nỗ lực của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã mang lại tác động khá tích cực. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn một số đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, nước thải từ quá trình khai thác, chế biến khoáng sản chưa được xử lý triệt để, xảy ra hiện tượng khai thác trái phép; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để.
Kết quả giám sát của HĐND tỉnh về tình hình quản lý, khai thác, chế biến, sử dụng mỏ khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra: chính quyền một số địa phương chưa có biện pháp quản lý chặt hồ sơ sổ sách mua bán cát tại các điểm mỏ và các bến nhập nên việc chấp hành quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động mua bán cát còn khá ít, việc kê khai khối lượng phụ thuộc vào tính trung thực của đơn vị khai thác mỏ nên rất khó xác định trữ lượng khai thác thực tế. Hơn nữa, việc đánh giá, xác định lại hiện trạng trữ lượng mỏ sau mỗi mùa mưa lũ chưa được thực hiện thường xuyên nên không có cơ sở so sánh trữ lượng cát còn lại tại mỏ so với trữ lượng được cấp phép ban đầu… Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động của một số tổ chốt chặn chưa hiệu quả do thiếu lực lượng, phương tiện, nhất là thiếu cán bộ thanh tra có nghiệp vụ chuyên môn sâu về lĩnh vực khoáng sản...
Đáng lưu ý, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường thông qua việc ký quỹ phục hồi môi trường được xem là biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường từ hoạt động khai thác. Thế nhưng, tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ sau khai thác vẫn còn xảy ra khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống của người dân và kết cấu hạ tầng tại địa phương. Mặc dù quy định đã nêu rõ “Số tiền ký quỹ tối thiểu phải bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Nguyên tắc tính toán số tiền ký quỹ là dựa trên cơ sở dự báo tác động xấu nhất tới môi trường sinh thái do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra”. Tuy nhiên, theo phản ánh các địa phương, việc dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường không chuẩn xác nên số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường thường không bảo đảm chi phí đáp ứng các yêu cầu quy định về hoàn trả mặt bằng sau khai thác nên trong một số trường hợp, ngân sách phải cấp bù kinh phí mới bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng
Thực trạng trên, trước hết cần nhìn nhận trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Quá trình khảo sát, lập quy hoạch, rà soát quy hoạch chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Hồ sơ trình HĐND tỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản đa số đều khẳng định các điểm mỏ đề xuất bổ sung quy hoạch bảo đảm các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, qua khảo sát của các Ban HĐND tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp chính quyền địa phương chưa đồng thuận, ý kiến các ngành chưa nhất quán, đồng quan điểm liên quan đến việc khớp nối, chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch liên quan; một số vị trí đã phê duyệt quy hoạch nhưng khi khảo sát, đề xuất thăm dò, khai thác chưa có giao thông kết nối, ảnh hưởng khu vực dân cư, môi trường, chưa đủ điều kiện thăm dò, khai thác, một số điểm mỏ khác trong quá trình khai thác, vận chuyển gặp tình trạng phản ứng của một số hộ dân lân cận… nên thời gian qua, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung nhiều lần liên quan đến quy hoạch khoáng sản.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch đối với các khu vực mỏ khoáng sản để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản; chú trọng việc lập, thẩm dự toán chi phí cải tạo, phục hồi môi trường, giám sát chặt công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản, kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường... Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, vi phạm trong việc báo cáo, kê khai thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác khoáng sản.