Trao đổi với phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết huyện Lục Ngạn có 88 mã số vùng trồng với diện tích 11.879ha, gồm: Trung Quốc 35 mã; thị trường Mỹ, Úc, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Năm nay, huyện Lục Ngạn tiếp tục thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất vải bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu; chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung cắt tỉa cành và chăm sóc vải sau thu hoạch; khảo sát, lựa chọn, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, đôn đốc việc tuân thủ các quy định đối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói quả vải tươi theo quy định của các đối tác nhập khẩu vải thiều.
Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Đến nay đã có 204 thương nhân Trung Quốc được đồng ý đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cũng cho biết, hiện nay huyện đang vào vụ thu hoạch vải thiều, các điều kiện phục vụ tiêu thụ đã sẵn sàng. Lục Ngạn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Huyện cũng đã chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác... Năm nay, ngoài bán tươi, huyện chú trọng chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn thông tin, vải thiều là sản phẩm nổi tiếng của Bắc Giang, tỉnh luôn nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người dân trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc là yếu tố “cốt lõi” làm chỗ đứng bền vững. Bắc Giang coi trọng tất cả các thị trường ở cả trong và ngoài nước, hướng tới người tiêu dùng được thưởng thức trái vải thiều ngon, chất lượng cao, sạch và an toàn nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đánh giá cao cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngan đã chủ động, đổi mới, gắn tiêu thụ mùa vụ vải thiều với phát triển du lịch. Đây là dịp để Lục Ngạn quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ vải thiều, các loại nông sản và sản phẩm du lịch miệt vườn, thu hút du khách thăm quan và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ vải thiều; đặc biệt là tổ chức thành công hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn năm 2023.
Bên cạnh đó, việc ga Kép đủ tiêu chuẩn ga liên vận quốc tế, mở ra hướng phát triển kinh tế của Bắc Giang và mở thêm kênh vận chuyển tiêu thụ vải thiều. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để dịch chuyển, vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt, giảm tải áp lực xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ.
Lưu ý các sở, ngành, UBND huyện Lục Ngạn và các địa phương vùng trồng vải trong tỉnh cần hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất. Chủ động trong ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói; kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội.
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023 vừa qua, lãnh đạo huyện Lục Ngạn cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, tỉnh Bắc Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng, kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn vào các thị trường tiềm năng.
UBND huyện cũng đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối tìm hiểu, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa bàn huyện.