Dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Dự luật gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Một số quy định đã được thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan như: sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12, Điều 13 về đối tượng và trách nhiệm đóng BHYT, sửa các Điều 7a, 7c, Điều 8 và khoản 3 Điều 16 về đối tượng phải áp dụng thời hạn thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày đóng bảo hiểm y tế khi tham gia bảo hiểm y tế không liên tục từ 90 ngày trở lên; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 17 về trách nhiệm lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế để cấp thẻ cho một số nhóm đối tượng được sửa đổi, bổ sung tại Điều 12 dẫn chiếu theo đúng đối tượng đã được sửa tại Điều 12.
Cùng với đó, các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ như: sửa đổi, bổ sung quy định về vận chuyển người bệnh, một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi.
Các đại biểu nhất trí xây dựng dự án Luật trên tinh thần bổ sung, sửa đổi một số điều đã rõ, tập trung vào những bất cập, khó khăn, vướng mắc đã được theo dõi, tổng kết trong thực tiễn, cần sửa đổi ngay để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội mới được thông qua.
Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các nội dung Chính phủ trình trong đề xuất trước đây, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cần tiếp tục bổ sung thêm các thông tin, dữ liệu để tăng sức thuyết phục, tạo thêm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với một số vấn đề cụ thể, đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh lại phần giải thích khái niệm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm để đảm bảo chính xác, thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Luật. Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa, bảo đảm rõ ràng, nhất quán trong triển khai thực hiện.
Đối với mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, các ý kiến cho rằng, không nên chuyển đối tượng học sinh, sinh viên về đóng bảo hiểm y tế tại gia đình nhằm tránh gây xáo trộn đối tượng tham gia, bảo đảm lực lượng này tham gia bảo hiểm một cách tập trung; có thể cân nhắc tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với bảo hiểm của học sinh, sinh viên để giảm gánh nặng cho gia đình và cân đối Quỹ bảo hiểm.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc trong quá trình xây dựng dự án Luật. Các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên họp sẽ được tiếp thu đầy đủ. Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các tài liệu liên quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám.