Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Long An Lê Thị Hồng Kết cho biết, tỉnh có hơn 540.160 thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 35, chiếm khoảng 31% tổng dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương là 83%. Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên được tỉnh Long An chú trọng thực hiện, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 5,62%, giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống còn 3,85%.
Giai đoạn 2020 - 2021 do tác động của đại dịch Covid-19, các công ty, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh gần như đóng cửa hoàn toàn, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của người dân, trong đó có vấn đề lao động, việc làm của thanh niên. Có khoảng 70% thanh niên trên địa bàn bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là các thanh niên làm việc trong các ngành dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng.
Năm 2022, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, thị trường lao động việc làm đã bắt đầu phục hồi nên vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động và thanh niên là hết sức cần thiết.
Tỉnh đoàn Long An đánh giá, số lượng thanh niên tham gia học nghề hàng năm tuy được nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu của thị trường lao động. Đa số thanh niên học nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên; học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ thấp nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
Số lượng thanh niên tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng chưa nhiều. Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận lao động thanh niên.
Tỉnh đoàn Long An kiến nghị, cần tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề”.
Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện tốt phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển về quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề theo 3 cấp trình độ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá và chuyền đổi cơ cấu lao động.
Tỉnh đoàn Long An cũng kiến nghị, địa phương cần cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ cho thanh niên tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; chính sách đào tào nguồn nhân lực, thu hút thanh niên tài năng để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh; vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu rõ, cuộc khảo sát nhằm nắm rõ hơn thực trạng việc làm của thanh niên, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Tỉnh đoàn Long An tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn khảo sát; chú ý nêu bật những số liệu cụ thể, đặc biệt phải coi trọng công tác tập hợp được đoàn viên thanh niên toàn tỉnh. Những kiến nghị của Tỉnh đoàn sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Cùng ngày, Đoàn khảo sát đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Lavie về việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên.