Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được thông qua ngày 29.3.2011 tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012.
Sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Luật Phòng, chống mua bán người cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 ngày 18.12.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được đưa vào Chương trình để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024). Trước đó, ngày 6.3.2024, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra dự án luật trên cơ sở Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3.2024.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga, Hội nghị được Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Bộ Tổng trưởng lý Australia tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn của quốc tế và Việt Nam nhằm thu thập, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội khi xem xét cho ý kiến về dự án Luật này; đồng thời, cung cấp thông tin, luận cứ cho Ủy ban Tư pháp trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 7 chuyên đề của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; trên cơ sở đó, trao đổi, thảo luận và gợi mở thêm một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).