Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra 3 nhóm nội dung.
Thứ nhất, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Thứ hai, thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Ninh Thuận, Phú Yên.
Thứ ba, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023 - 2025.
Trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án các dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế. Trọng tâm là các nội dung về thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng các gói bảo hiểm y tế; giảm chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế; y tế dự phòng do ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, người dân cùng chi trả; giám định bảo hiểm y tế công khai, minh bạch, khách quan; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; phấn đấu đến năm 2030, trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả...
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV).
Đối với dự án Luật Phòng bệnh, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười. Dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở đồng bộ với chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm; khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ cá nhân; tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành xâydựng các dự án Luật để thể chế hóa một số chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời khắc phục một số hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu cho rằng, phạm vi sửa đổi là tương đối rộng, trong đó nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng hơn để bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, nhất là sửa đổi các nội dung để bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng bệnh, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ dự án Luật chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, hiện mới đang là “dự kiến quy định theo hướng...”. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét việc bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình năm 2025 tại thời điểm này để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (Báo cáo tổng kết, Báo cáo đánh giá tác động, rà soát các quan hệ xã hội, nghiên cứu kỹ lưỡng để làm rõ tên gọi, xác định phù hợp phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội hàm các chính sách lớn của dự án Luật...).
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Bộ Y tế đã chủ động, tích cực chuẩn bị 2 dự án Luật, đặc biệt đối với Luật Bảo hiểm y tế là văn bản luật cần khẩn trương sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, Ủy ban thống nhất sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ Tám.
Đối với dự án Luật Phòng bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đây là dự luật rất quan trọng. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu làm rõ phạm vi điều chỉnh và nội dung chính sách, đánh giá tác động để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật; sớm trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 để xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.