Chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao
Theo Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục đã bám sát và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; tập trung năng lực nghiên cứu, xây dựng nhiều văn bản như Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý; đề án "Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"…
Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cũng được Cục chú trọng đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, Cục đã tổ chức nhiều đợt truyền thông trên toàn quốc; lựa chọn các vụ việc trợ giúp pháp lý thành công để xây dựng kịch bản các vụ diễn án, phóng sự; xây dựng các tờ gấp pháp luật, thông điệp về trợ giúp pháp lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thụ lý mới 19.102 vụ việc (tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 15.112 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (tăng 4,76% so với cùng kỳ năm 2023); 44 Trung tâm thực hiện thẩm định chất lượng 6.664 vụ việc; số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là 4.698 vụ việc (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023). Các vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên, nhiều vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá là thành công.
Sở Tư pháp và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương cũng tổ chức triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý bài bản, đúng quy định, góp phần vào kết quả chung của công tác trợ giúp pháp lý. Trên toàn quốc, có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với trên 1.200 người; 97 chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện...
Phó Cục trưởng Vũ Thị Hường cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản được giao; hướng dẫn, theo dõi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành ở 63 địa phương; bám sát tình hình, thực tiễn công tác và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương…
Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu
Theo Cục Trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin; hệ thống "Quản lý, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý" tiếp tục được vận hành, khai thác hiệu quả. Hiện nay, Hệ thống đang lưu trữ thông tin 2.627 nhân sự, 261 tổ chức với trên 26.000 việc trợ giúp pháp lý, trên 150.000 hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cùng hơn 2.200 tài khoản. Đến nay, việc cập nhật về tổ chức, vụ việc trợ giúp pháp lý đã dần đi vào nền nếp.

Việc chia sẻ dữ liệu được thiết lập thông qua kết nối, chia sẻ giữa phần mềm nghiệp vụ Hệ thống "Quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý" với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc triển khai Dự án đầu tư công "Hệ thống thông tin trợ giúp pháp lý" đang được chuẩn bị. Nhiều Trung tâm cập nhật liên tục Trang thông tin điện tử riêng về trợ giúp pháp lý của địa phương hoặc trên Trang thông tin của Sở Tư pháp để người dân dễ dàng nắm bắt và tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động trợ giúp pháp lý mới ở bước đầu; việc triển khai Hệ thống "Quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý" còn một số hạn chế. Hệ thống đôi lúc chưa hoạt động thông suốt, chưa được tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác; nhiều chức năng cần điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn hoạt động và quản lý công tác trợ giúp pháp lý; chưa có ứng dụng trợ giúp pháp lý trên nền tảng di động và kết nối mạng xã hội để người dân thuận lợi hơn khi có yêu cầu...

Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, cần triển khai giải pháp xây dựng Cổng thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam là điểm truy cập duy nhất cung cấp các thông tin, ứng dụng, thủ tục hành chính của Cục Trợ giúp pháp lý trên môi trường mạng; ứng dụng trợ giúp pháp lý trên nền tảng di động và nền tảng xã hội, có kết nối đến cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi truy cập. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo lập dữ liệu bước đầu; trong quản lý dữ liệu việc, vụ việc trợ giúp pháp lý tập trung tại Trung ương; quản lý người đã được trợ giúp pháp lý hay xác định đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Mặt khác, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, truyền hình, mạng xã hội, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, vận hành đường dây nóng trợ giúp pháp lý trở thành tổng đài điện thoại thông minh, là nơi tiếp nhận và cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản cho người dân.