Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 25 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 10 doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi; 10 doanh nghiệp lâm nghiệp, 5 doanh nghiệp thủy sản. Đây được coi là lực lượng quan trọng dẫn dắt việc ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Tới nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2ha trở lên, 94 vùng sản xuất cây ăn quả.
Toàn tỉnh có 50 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 59 cơ sở rau, hoa trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 39,6ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, Bắc Ninh có 72 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Trong đó, có 2 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa hoàn toàn; 44 cơ sở nuôi thủy sản áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 8,5ha; 1 cơ sở nuôi cá lồng được cấp Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy vậy, toàn tỉnh hiện chỉ có khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xã Việt Đoàn (Tiên Du) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ với quy mô 17ha được quan tâm đầu tư tương đối bài bản. Nhìn chung, việc hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao chưa có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình đồng bộ, hiệu quả. Đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, lại có độ rủi ro cao về thời tiết, về thị trường và giá cả nên khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại.
Trên cơ sở thực tế, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xây dựng “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030”. Đề án này vừa chính thức được UBND tỉnh thông qua.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nguyễn Thị Dung, mục tiêu của đề án là đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; chú trọng đào tạo nhân lực có kỹ thuật, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản Bắc Ninh.
Đến năm 2025, ngành khoa học công nghệ sẽ phối hợp xây dựng được ít nhất 3 - 5 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ ít nhất 3 - 5 doanh nghiệp/tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ; ít nhất có 20% mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân. Đến năm 2030, sẽ hình thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; hoàn thiện số hóa ngành nông nghiệp.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tích cực phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng, lồng ghép một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống; lựa chọn và nhập một số công nghệ cao trong nông nghiệp từ nước ngoài. Đồng thời hỗ trợ, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ công nghệ cao…
Với việc quyết tâm triển khai đề án đúng trọng tâm, tiến độ, kỳ vọng sẽ tạo cú huých phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững cho địa phương.