Tồn tại tình trạng chậm đóng BHXH
Tuyên Quang cũng là địa phương có dân cư sống phân tán, giao thông đi lại còn khó khăn, trong khi đó số lượng tuyên truyền viên, truyền thông viên còn ít, tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số cho người dân trên địa bàn tỉnh chưa phong phú và phổ biến, dẫn đến công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, chưa lan tỏa sâu rộng đối với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.
Năm 2024 là năm quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và triển khai nhiệm vụ của toàn ngành BHXH với nhiều nhiệm vụ, mục tiêu lớn. Trong bối cảnh đó, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung cao độ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đến hết tháng 9.2024, toàn tỉnh Tuyên Quang có 78.199 người tham gia BHXH, đạt 82,84% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 16.732 người; số người tham gia BHYT là 770.356 người, đạt tỷ lệ bao phủ 94% dân số. Tổng thu BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là trên 1,51 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù, mạng lưới người tham gia ngày càng mở rộng, thế nhưng tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Đến thời điểm này, số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động là 113,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các chủ sử dụng lao động còn hạn chế.
Đáng nói, người lao động chưa thực sự hiểu được thiệt hại khi đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn tránh đóng BHXH cho người lao động. Đến hết ngày 30.9.2024, số tiền các đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN là 54,019 tỷ đồng. Trong đó, có một số doanh nghiệp chậm đóng kéo dài với số tiền lớn như Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Tuyên Quang, Công ty TNHH K&L FASHION, Công ty TNHH CĐ Quang Minh…
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN không chỉ giúp đảm bảo hệ thống mạng lưới an sinh mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Do đó, xác định việc đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện đầy đủ quy trình đôn đốc chậm đóng theo quy định và tăng cường các biện pháp triển khai thu hồi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Giám đốc BHXH tỉnh Tuyên Quang Phạm Thái Sơn cho biết, thời gian tới BHXH tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Cùng với đó, phân loại các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để có các giải pháp đôn đốc phù hợp, linh hoạt.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh sẽ phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; hỗ trợ người lao động tra cứu thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN từ đó nắm bắt đầy đủ thông tin trong việc trích đóng của doanh nghiệp, chủ động tham gia giám sát doanh nghiệp và đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân.
“Đặc biệt, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thì công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực được BHXH tỉnh xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn” ông Sơn nhấn mạnh.