Đây là những thông tin vừa được đưa ra tại báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố.

Quảng Ninh dẫn đầu PAPI 2024
Theo Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của người dân trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu thống kê, hỗ trợ theo dõi và đánh giá hiệu quả thực hiện các nghĩa vụ của chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp, luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách của Nhà nước…

Báo cáo PAPI 2024 cho thấy, người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024. PAPI 2024 đặc biệt nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương,” “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công,” “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử.”. Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2024 đã ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo cung cấp kết quả phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam. Chỉ có 3 trong số 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được PAPI đo lường đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công.
Báo cáo PAPI 2024 cũng chỉ rõ sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm phân tổ theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống. Phụ nữ vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả quản trị thấp hơn nam giới, đặc biệt trong các khía cạnh về sự tham gia và tính công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương.
Đối với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024 phân tổ theo giới tính cho thấy, mức độ tin tưởng của giới tính nữ đều thấp hơn so với nam tại các chỉ số thành phần như: tham gia của người dân ở cấp cơ sở (nữ 4,76 điểm/ nam 5,28 điểm); công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương (nữ 5,22 điểm/ nam 5,45 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân (nữ 4,17 điểm/ nam 4,42 điểm)..
Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn so với người Kinh. Người tạm trú, đặc biệt ở các địa phương có lượng người tạm trú lớn, phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công. Các địa phương miền núi và vùng cao đạt điểm thấp hơn các địa phương vùng đồng bằng ở các chỉ số đánh giá về sự tham gia của người dân, tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và quản trị điện tử.
Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024, Quảng Ninh là địa phương có điểm số PAPI cao nhất toàn quốc. Theo đó, với điểm tổng hợp đạt 47,82 điểm và là năm thứ 3 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PAPI. Xếp thứ 2 và thứ 3 là Tây Ninh và Bình Thuận. Nhóm cuối có các tỉnh Kon Tum, Kiên Giang, TP. Cần Thơ...
Tỉnh Quảng Ninh có 7/8 trục chỉ số nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc, trong đó trục chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công đạt 8,42 điểm dẫn đầu toàn quốc. Kết quả PAPI là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh đã triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh được sự ghi nhận của người dân về những nỗ lực trong việc khắc phục thiệt hại và khôi phục đời sống, kinh tế- xã hội sau bão số 3 YAGI.
Chuyển đổi số đơn giản hóa thủ tục hành chính
Chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP tại Việt Nam Đỗ Thanh Huyền cho biết: Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực công, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công. Bảo vệ môi trường được chú trọng, chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ.

Nhu cầu tiếp cận và sử dụng internet thông qua máy tính hoặc thiết bị thông minh của người dân ngày càng tăng cao. Tính đến năm 2024, khoảng 84% người trả lời khảo sát PAPI cho biết họ sử dụng internet tại nhà, tăng hơn gấp đôi so với tỉ lệ 31% của năm 2016 và tăng gần 10% so với năm 2021.
Tương tự, tỉ lệ người trả lời đọc tin tức từ các nguồn trực tuyến đã tăng gần gấp 3 lần từ 23% (năm 2016) lên đến 66% (năm 2024); có 92% hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh tăng 2% so với năm 2023; tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh cũng cao hơn gấp đôi tỉ lệ người trả lời (43%) cho biết hộ gia đình có máy vi tính cá nhân…
Không chỉ vậy, tỉ lệ người dùng và trải nghiệm của người dùng khi sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp tỉnh năm 2024 đều tăng mạnh so với năm 2023. Trong đó, người sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia tăng 66,26% và sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh tăng 18,42 %. Những người trả lời khảo sát PAPI năm 2024, gần 12% cho biết họ đã thiết lập tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia, cao gấp 6 lần so với năm 2021, và gấp đôi so với năm 2023.
Theo khảo sát của PAPI, người dân đánh giá cao về dịch vụ công điện tử đã giúp hoàn thành tất cả các quy trình và thanh toán cho các thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường trực tuyến, đồng thời cho phép người dân đẩy nhanh các quy trình để có được chứng nhận hay giấy tờ cần thiết, tránh được các thủ tục rườm rà và tránh phải trả các chi phí không chính thức…
Bà Đỗ Thanh Huyền khẳng định: chuyển đổi số là phương thức phát triển quản trị điện tử, quản trị số, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch và cải thiện hiệu quả cũng như điều kiện tiếp cận dịch vụ công.