Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số năm học 2022-2023.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng.
Hiệu quả của chính sách đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã ưu tiên dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sự nghiệp phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đến nay, những kết quả đạt được toàn diện trên mọi mặt, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Mạng lưới trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, phát triển. Cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng khang trang hơn. Hệ thống Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; các trường chuyên biệt ngày càng phát triển cả về số lượng và nâng cao về mặt chất lượng. Chế độ chính sách cho người dạy, người học được quan tâm; chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục được nâng lên; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước được nâng cao. Thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào bộ máy của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các ngành kinh tế...
Rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Số học sinh sinh viên người dân tộc thiểu số đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế ngày càng nhiều; học sinh thi đậu vào các trường đại học với số điểm cao, từ 28 điểm trở lên ngày càng nhiều hơn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, qua thành tích học tập của các em học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương hôm nay cho thấy hiệu quả của chính sách đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, cũng thể hiện khả năng, nghị lực ý chí và khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số để trở thành những người có đủ tâm, đủ tầm và tài để góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số nói riêng và cả nước nói chung.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số; với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó lĩnh vực giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được dành riêng một Dự án, lĩnh vực giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tới sẽ có bước phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn các em học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương không bằng lòng với những kết quả đã đạt được; tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để gặt hái được nhiều thành quả hơn trong thời gian tới; luôn là những tấm gương sáng, truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng vươn xa cho thế hệ trẻ cả nước nói chung, cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng trên hành trình chung tay, góp sức xây dựng bản làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thay mặt Ủy ban Dân tộc và cộng đồng các dân tộc trong cả nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, sự nghiệp giáo dục đào tạo nói riêng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn; ngày đêm bám trường, bám lớp, vượt qua những khó khăn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Minh chứng thuyết phục cho sự phát triển lĩnh vực giáo dục dân tộc
Chia sẻ tại buổi lễ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Chương trình Lễ tuyển dương học sinh, sinh viên thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu đã tạo ra sức lan toả sâu rộng, đông viên, khích lệ thế hệ trẻ dân tộc thiểu số nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động sản xuất. Qua đó, tạo dựng hành lang cần thiết để trở thành người chủ nhân tương lai của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ sự vui mừng khi được biết trong 9 kỳ tuyên dương trước đã có hơn 1.000 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương.
Thành tích học tập của các em năm sau luôn cao hơn các năm trước về cả số lượng và chất lượng. Ngày càng xuất hiện nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, các cuộc thi về khoa học - kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia và khu vực. Những tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào bảo vệ Tổ quốc ngày càng nhiều hơn.
“143 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn tuyên dương đại diện cho hàng triệu học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc thực sự là những bông hoa tươi thắm, là niềm tự hào của gia đình, làng bản, là minh chứng thuyết phục cho sự phát triển lĩnh vực giáo dục dân tộc. Thành tích học tập, công tác của các em đã và đang góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, sớm đưa vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi khó khăn, chậm phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Biểu dương các học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu, Phó Thủ tướng biểu dương đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tinh thần trách nhiệm “tất cả vì học sinh thân yêu” của các thầy, cô giáo, các cấp chính quyền, toàn thể bậc phụ huynh đã động viên, chăm lo cho các em trong suốt quá trình công tác, để các em đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tầm chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực này, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp cùng những khó khăn, hạn chế mang tính đặc thù, nên vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Các em học sinh, sinh viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương hôm nay đã đạt được những thành tích rất đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên, đây mới là kết quả ban đầu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong rằng, các em không thoả mãn, không bằng lòng mà cần nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng, tu dưỡng đạo đức để trở thành những người cán bộ giỏi, những người có tri thức, kỹ năng trở về xây dựng làng bản, quê hương mình.
Chương trình Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023 ghi nhận và tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu.
Trong đó, có 38 em đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023; 4 em học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia; 30 em trúng tuyển vào các trường đại học, học viện có tổng số 28 điểm trở lên theo tổ hợp ba môn xét tuyển đại học (không tính điểm ưu tiên); 9 em học sinh thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù trúng tuyển vào đại học; trong đó có 3 em thuộc các dân tộc có dân số dưới 1.000 người; 2 em đạt Huy chương Vàng, Đồng trong các kỳ thi đấu thể thao cấp quốc gia; 29 thanh niên đạt thành tích xuất sắc trong công tác, khởi nghiệp thành công; 31 em học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu do các tỉnh, địa phương lựa chọn.
Trong 143 em được tuyên dương, có 51 thành phần dân tộc (trong đó có 12 dân tộc thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, có 13 em được tuyên dương); đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có nhiều em đạt thành tích rất xuất sắc như: Em Đặng Thị Tuyết, dân tộc Dao, ở Lào Cai; Em Nông Thị Hồng Hoa, dân tộc Tày, ở Cao Bằng đạt giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023; Em Trần Thanh Tú, dân tộc Chơ ro, ở Bà Rịa-Vũng Tàu trúng tuyển vào Đại học với 29,05 điểm và 3 năm học THPT đạt loại giỏi; Em Lò Văn Biển, dân tộc Thái, ở Điện Biên đạt 2 Huy chương Vàng tại giải vô địch Karate Đông Nam Á và Seagames 32...
Đặc biệt, Lễ Tuyên dương năm 2023 có nhiều điểm mới, nổi bật hơn so với các năm trước như: Tiêu chí xét chọn học sinh, sinh viên, thanh niên cao hơn các năm trước (Năm 2023 xét chọn các em trúng tuyển vào đại học đạt từ 28 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên; năm 2022 chọn các em đạt từ 27 điểm). Năm 2023, thành phần các dân tộc, các địa phương có học sinh, sinh viên, thanh niên được lựa chọn đưa vào tuyên dương cao nhất từ trước đến nay.