Sáng 16.9, tiếp tục chương trình công tác tại Yên Bái, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ - Trưởng đoàn khảo sát; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh đồng chủ trì cuộc làm việc.
Chú trọng tuyên truyền, tập huấn
Theo báo cáo, để phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đuối nước trẻ em nói riêng, những năm qua, thực hiện các Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch, chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2030. Ủy ban Nhân dân 9/9 huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2030.
Công tác tuyên truyền được chú trọng. Đài truyền thanh huyện, xã đã phát sóng gần 40.000 lượt bản tin tuyên truyền; lắp đặt 4 pano cỡ lớn và 30 biển cảnh báo; tập huấn cho 80 giáo viên, hướng dẫn viên; nâng cao nhận thức cho hơn 2.000 gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi. Tập huấn cho 36 cán bộ nòng cốt cấp tỉnh, huyện, xã; 90 giáo viên mầm non, cộng tác viên; 72 giáo viên, hướng dẫn viên là giáo viên thể dục và tổng phụ trách, cán bộ y tế tại trường học.
Tỉnh cũng đã tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 1.600 trẻ em tại các xã; cung cấp kiến thức, kỹ năng xử trí, sơ cứu… khi bị đuối nước cho 3.875 trẻ em. Từ năm 2016 đến tháng 6.2022, toàn tỉnh tổ chức được 422 lớp dạy bơi tại các bể bơi, với 8.622 trẻ em được học bơi.
Thực hiện Dự án Hỗ trợ triển khai can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em, trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Phòng, chống đuối nước trẻ em” tại 15 xã của 3 huyện: Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phòng, chống đuối nước trẻ em, dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tăng kinh phí hỗ trợ các tỉnh miền núi
Tuy vậy, từ năm 2016 đến hết tháng 6.2022, toàn tỉnh có 103.263 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 106/214 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 có 6 trẻ bị tử vong do đuối nước. Mặc dù tỷ lệ này thấp so với các tỉnh khác, song vẫn khiến xót xa, cần phân tích làm rõ để có giải pháp khắc phục, với các mục tiêu cụ thể, tiến tới đưa tỷ lệ này về số 0.
Nguyên nhân được chỉ ra là: Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi dốc, sông, suối nhiều; thời tiết diễn biến phức tạp, mùa mưa lũ quét trùng với thời gian nghỉ hè nên gây khó khăn cho công tác quản lý trẻ em; bố mẹ phải đi làm ăn xa nên không có điều kiện chăm sóc, giám sát con trẻ thường xuyên; một số vùng ao, hồ, sông, suối, đập... nguy hiểm nhưng chưa có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm.
Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về giám sát, phòng ngừa trẻ em bị tai nạn, thương tích. Một bộ phận người lớn và trẻ em chưa chấp hành đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Tỷ lệ trẻ em được dạy bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước còn thấp…
Từ thực tế địa phương, Yên Bái đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm tăng kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh miền núi thực hiện hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em. Cung cấp nhiều sản phẩm truyền thông đa dạng cho các địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền, trong đó tính toán xây dựng các sản phẩm số để dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ áp dụng; mở các lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ nòng cốt để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp cơ sở.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ em, kỹ năng sống và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, từng bước đưa môn bơi lội vào chương trình học chính khóa trong nhà trường. Bộ Y tế sớm thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về thống kê số liệu trẻ em bị tai nạn thương tích.
HĐND nên có nghị quyết chuyên đề
Đoàn khảo sát đánh giá cao sự chủ động, tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm của Yên Bái trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Yên Bái cũng có nhiều mô hình, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao, như phát động toàn dân tập luyện môn bơi; tập huấn cho nhân viên bể bơi, đi sâu vào kỹ năng cứu đuối; kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ cấp tỉnh đến cấp xã; thí điểm hệ thống mạng lưới tình nguyện viên cùng với nhân viên y tế thôn, bản để giám sát, ghi chép, phân tích các trường hợp tai nạn, thương tích và thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu khi có tai nạn, thương tích xảy ra…
“Trong số các địa phương Đoàn đến khảo sát, làm việc trực tiếp, Yên Bái là tỉnh làm tốt nhất công tác phòng, chống đuối nước trẻ em”. Ghi nhận kết quả này, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ mong muốn tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho công tác trẻ em nói chung, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em nói riêng, bởi “chỉ cần lơ là một chút là có thể gây hậu quả khôn lường. Hội đồng Nhân dân tỉnh nên nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em”.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Yên Bái có gần 260.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 98.000 trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 37,7% tổng số trẻ em); trên 7.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ngoài ra còn gần 88.500 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.