Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập ngày 19.8.1964. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã từng bước khẳng định vị thế là trường đào tạo đầu ngành trình độ đại học và trên đại học; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; tư vấn dịch vụ về giáo dục, khoa học, công nghệ trong lĩnh vực lâm - nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang phát triển theo mô hình trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa hệ, đa phương thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Từ mái trường Đại học Lâm nghiệp, đã có hơn 65.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 6.500 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp và trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, những chuyên gia xuất sắc, doanh nhân thành đạt, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành và đất nước.
Phát biểu tại chương trình, GS.TS.NGƯT Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ, với bề dày truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp đã có những dấu ấn, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2009; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, hạng Nhì năm 2004, hạng Ba năm 1994; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1989, hạng Ba năm 1984 và 1996; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006 cho Cơ sở 2; Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2008.
Trường cũng được Nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do năm 1984; Huân chương Hữu nghị năm 2000. Trường còn được tặng cờ thi đua của Bộ GD-ĐT năm 1993; Bộ Quốc phòng năm 2000; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2003, 2007, 2013) và nhiều Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành, các đơn vị hành chính tỉnh, huyện…
Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp có 3 cơ sở: Trụ sở chính tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội; Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Đồng Nai.
Nhà trường có 917 viên chức, người lao động, trong đó giảng viên chiếm 61% (có 176 người có học vị, học hàm từ tiến sĩ trở lên). Trường Đại học Lâm nghiệp đã đào tạo hơn 65.000 kỹ sư, hơn 6.500 thạc sĩ, 150 tiến sĩ; 500 kỹ sư, thạc sĩ, nghiên cứu sinh cho nước bạn Lào và Campuchia; hơn 2.500 học sinh phổ thông dân tộc nội trú. Tổng số người học hiện tại (gồm học sinh THPT, sinh viên đại học, thạc sĩ và nghiên cứu sinh) khoảng 10.000 người.
Trường Đại học Lâm nghiệp có 32 đơn vị trực thuộc, gồm 2 Phân hiệu, 2 Trường THPT, 5 Khoa, 5 Viện (trong đó có 4 Viện vừa đào tạo, vừa nghiên cứu và 1 viện chuyên về nghiên cứu), 4 Trung tâm, 14 Phòng/Ban/Thư viện. Nhà trường đang đào tạo 6 ngành tiến sĩ, 12 ngành thạc sĩ (1 ngành đào tạo bằng tiếng Anh) và 28 ngành đại học chính quy (1 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 5 ngành đại học đào tạo từ xa.
Về tự chủ tài chính, hiện mức độ tự chủ chi thường xuyên của bình quân cả trường là 58%. Trong đó, mức độ tự chủ ở Trụ sở chính - Hà Nội và Phân hiệu Gia Lai, Phân hiệu Đồng Nai lần lượt là: 52%, 31% và 63%.
Chia sẻ về định hướng phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp thời gian tới, GS.TS Phạm Văn Điển cho biết, nhà trường đặt mục tiêu giữ vững vị thế đầu ngành về lâm nghiệp, mở rộng “không gian phát triển” trường cả về hình thức, nội dung và hội nhập. Trường định hướng phát triển đội ngũ cũng như tạo sự hài lòng cho người học trên cơ sở của một trường đại học có ba trụ cột lớn: học thuật, quản trị và các nguồn lực, đối tác.
Triết lý giáo dục của nhà trường là “thực tiễn, sáng tạo, trách nhiệm và hiệu quả”. “Thực tiễn” là học đi đôi với hành, đưa thực tiễn vào học đường và đưa ra trường các sản phẩm giáo dục, đào tạo đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tiễn sinh động. “Sáng tạo” là giúp người học phát triển tư duy có khả năng phản biện, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dấn thân. “Trách nhiệm” là nhà trường đảm bảo các điều kiện tốt trong việc đào tạo người học, người học cũng có trách nhiệm đối với chính mình, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng và xã hội. “Hiệu quả” là đáp ứng tốt nhất các mục tiêu của người học, của nhà trường và của xã hội.
Nói về lý do đặt yếu tố “thực tiễn” lên hàng đầu trong triết lý giáo dục, GS.TS Phạm Văn Điển nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, yếu tố thực tiễn rất quan trọng. Thực tiễn cũng chính là cơ sở nền tảng để đổi mới, để đưa việc giáo dục, đào tạo thành thực chất.
Tại chương trình, GS.TS Phạm Văn Điển đề nghị các cựu nhà giáo, cựu học viên, sinh viên, các doanh nghiệp, đơn vị đối tác của Trường Đại học Lâm nghiệp cùng chia sẻ, đóng góp trí tuệ cho định hướng phát triển của nhà trường, cũng như hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ được tổ chức tới đây.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển, mục tiêu của chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp là nhằm ôn lại truyền thống, tôn vinh các thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường; quảng bá hình ảnh trường với xã hội và bạn bè quốc tế; tri ân và ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ người học, viên chức, người lao động của trường; kết nối các thế hệ sinh viên, học viên, đối tác, các nhà hảo tâm.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác, tạo sức mạnh phát triển ngành và nâng cao đóng góp cho xã hội; chung sức xây dựng và phát triển toàn diện Trường Đại học Lâm nghiệp.
Cũng tại chương trình, lãnh đạo Trường Đại học Lâm nghiệp đã trao thư cảm ơn tới các đại biểu là cựu nhà giáo, cựu học viên, cựu sinh viên, các doanh nghiệp, đơn vị đối tác đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường.
Được biết, lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp dự kiến tổ chức ngày 16.11.2024. Trước đó, nhiều hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm sẽ diễn ra như tổ chức Hội thảo quốc tế; Hội trại Thanh niên tại Trụ sở chính, các Phân hiệu Đồng Nai và Gia Lai; Triển lãm thành tựu ngành Nông nghiệp,...
Năm 2024, Trường Đại học Lâm nghiệp dự kiến tuyển sinh 28 ngành đào tạo, với trên 2.000 chỉ tiêu.
Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển theo mô hình trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Ngoài các ngành truyền thống, là thế mạnh trong lĩnh vực lâm nghiệp như Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng (Kiểm lâm), Quản lý tài nguyên và môi trường, Du lịch sinh thái, Thiết kế nội thất, Công nghệ chế biến lâm sản,... trường cũng tuyển sinh các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công tác xã hội, Bất động sản, Kỹ thuật xây dựng,...
Năm nay, Trường Đại học Lâm nghiệp áp dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm:
- Phương thức 1 (mã 200): Xét học bạ (theo kết quả học tập THPT).
- Phương thức 2 (mã 100): Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
- Phương thức 3 (mã 301, 303): xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD-ĐT và của Trường Đại học Lâm nghiệp).
- Phương thức 4 (mã 402): Xét kết quả thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá năm 2024.