Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04 của Bộ Tài chính

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phổ biến công văn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Thông tin từ Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã ký phổ biến Công văn số 62/HĐTS-VP1 về việc thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo đó, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đề nghị Tăng Ni, Phật tử, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Hội đồng Trị sự để nghiên cứu, hướng dẫn.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính -0
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu tại diễn đàn Quốc hội

Công văn gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố và trụ trì chùa, cơ sở tự viện GHPGVN, cho biết:

Ngày 19.1.2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (sau đây viết tắt là Thông tư số 04).

Trong quá trình xây dựng Thông tư số 04, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động góp ý kiến nhiều lần và đã được Bộ Tài chính tiếp thu nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đồng thời, Bộ Tài chính đã khẳng định Thông tư số 04 không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo (tại văn bản số: 729/BTC-HCSN ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính).

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn Ban Trị sự, Ban Quản trị và trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện Thông tư số 04 như sau:

Chương I: Những quy định chung

1. Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội (khoản 1 Điều 1 Thông tư số 04). Lễ hội quy định tại Thông tư số 04 là lễ hội theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, gồm: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài (điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 04). Vì vậy, các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức một trong 04 loại hình lễ hội nói trên thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04.

2. Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích (khoản 1 Điều 1 Thông tư số 04). Vì vậy, các chùa, cơ sở tự viện chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04 (điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư số 04).

3. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 04, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức: a) Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản; b) Bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, tổ chức, cá nhân khi phát tâm thực hiện công đức, tài trợ mà không nhằm mục đích cụ thể “cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội” thì tiền công đức, tài trợ đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04.

4. Thông tư số 04 không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư số 04). Theo quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, hoạt động tôn giáo gồm hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo; trong đó sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Vì vậy, việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo nói trên tại tất cả các chùa, cơ sở tự viện, tổ chức trực thuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04.

Trụ trì các các chùa, cơ sở tự viện, người đứng đầu các tổ chức trực thuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm và áp dụng các phương pháp cần thiết để phân định, tách bạch, minh bạch tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo với các loại tiền công đức, tài trợ khác như: tiền công đức, tài trợ cho di tích; tiền công đức tài trợ cho hoạt động lễ hội; và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo, tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành phải đúng mục đích theo quy định của Giáo hội, phù hợp với Giáo lý, Giáo luật và phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Trường hợp Thông tư số 04 quy định tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội thì không bắt buộc thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 5 và Điều 9 Thông tư số 04. Tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên có liên quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể vận dụng những quy định phù hợp của Điều 5 và Điều 9 Thông tư số 04 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội một cách an toàn và minh bạch.[1]

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính -0
Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đề nghị Tăng Ni, Phật tử, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC

Chương II: Quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội

6. Đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức:

Lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức bao gồm: lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp tổ chức; lễ hội do cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức, trong đó người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu là Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội; lễ hội do cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội (khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04).

Cần phân biệt “kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội” với “tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội”.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 04, tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội là một trong các nguồn tài chính để tổ chức lễ hội. Ngoài ra, nguồn tài chính để tổ chức lễ hội gồm các khoản: hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội, bao gồm cho thuê địa điểm bán hàng lưu niệm, đồ ăn uống, quay phim, chụp ảnh, trông giữ xe, vận chuyển du khách và dịch vụ khác phù hợp với quy định của địa phương; tiền lãi phát sinh trên tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định; Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với lễ hội truyền thống (nếu có).

Đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức tại chùa, cơ sở tự viện không phải là di tích thì chùa, cơ sở tự viện chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội (trong đó có tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội) nếu được Ban tổ chức lễ hội phân công cụ thể trong Quy chế làm việc và phân công trách nhiệm theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong trường hợp này, chùa, tự viện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 04.

Đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức tại di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thì trụ trì chùa, cơ sở tự viện tự quyết định và chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 04. Các nguồn tài chính khác để tổ chức lễ hội, trụ trì chùa, cơ sở tự viện chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 04 nếu được Ban tổ chức lễ hội phân công.

7. Đối với lễ hội do tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức:

Lễ hội do tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức là lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức (khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04).

Tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật (Điều 6 Thông tư số 04).

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính -0
Trung ương GHPGVN đề nghị trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phản cần ánh kịp thời về Hội đồng Trị sự để nghiên cứu, hướng dẫn

Chương III: Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

8. Đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, trụ trì chùa, cơ sở tự viện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan (khoản 1 Điều 10 Thông tư số 04).

9. Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, trụ trì chùa, cơ sở tự viện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan (khoản 2 Điều 10 và khoản 4 Điều 13 Thông tư số 04). Như vậy, tại di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, đơn vị sự nghiệp công lập không tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thì trụ trì chùa, cơ sở tự viện có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phần chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình phụ trợ dùng chung; chi phí bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và các chi phí quản lý chung khác trên địa bàn di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư số 04, mức chi trả theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) và được quy định theo một điều riêng trong Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 04. Như vậy, mức chi trả trong trường hợp này không tính trên số thu tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo.

10. Trường hợp trong phạm vi địa bàn di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng có di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, Trụ trì chùa, cơ sở tự viện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 04, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan (khoản 4 Điều 14 Thông tư số 04). Như vậy, tại di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, Ban quản lý di tích kiêm nhiệm không tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Chương IV: Điều khoản thi hành

11. Thông tư số 04 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19.3.2023.

Tại di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo trong phạm vi địa bàn di tích được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập hoặc giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng, việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền cho đến khi có quyết định mới hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho trụ trì chùa, cơ sở tự viện tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo đúng quy định tại Điều 13 hoặc Điều 14 Thông tư số 04.

12. Tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ hội, là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm công khai việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho tổ chức, cá nhân đã đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nếu tổ chức, cá nhân này có yêu cầu (điểm a khoản 2 Điều 18 Thông tư số 04). Như vậy, việc công khai không phải đối với người thứ ba, mà chỉ đối với tổ chức, cá nhân đã đóng góp tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và chỉ khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đó, trừ trường hợp cung cấp thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Thông tư số 04.

13. Tổ chức trực thuộc, cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ hội, là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 18 Thông tư số 04). Như vậy, việc cung cấp thông tin chỉ theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan chức năng có thẩm quyền và yêu cầu đó phải trên cơ sở quy định của pháp luật. Trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04, thông tin cung cấp khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật là thông tin về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, không phải là thông tin về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Tăng Ni, Phật tử, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm nội dung Thông tư số 04. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Hội đồng Trị sự để nghiên cứu, hướng dẫn.

Xem Công văn tại đây:  Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính

------

[1] Điều 5. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức

1. Ban tổ chức lễ hội khi ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, phân công cho một đơn vị có đại diện là thành viên Ban tổ chức lễ hội để thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội.

2. Đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm:

a) Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử;

b) Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành viên Ban tổ chức lễ hội lập kế hoạch thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội, trình Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội phê duyệt. Kế hoạch thu, chi được lập căn cứ vào chương trình, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, khả năng các nguồn tài chính và nội dung chi có liên quan cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

d) Sử dụng kinh phí cho lễ hội theo kế hoạch thu, chi đã được phê duyệt; các khoản chi phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định;

đ) Mở sổ kế toán hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành;

e) Kết thúc năm tài chính, lập báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức lễ hội, trình Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội phê duyệt. Đối với số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội năm sau; trường hợp năm sau không tổ chức lễ hội thì báo cáo Trưởng ban Ban tổ chức lễ hội để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức lễ hội xem xét, quyết định.

3. Đối với lễ hội truyền thống được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 9. Tiếp nhận tiền công đức, tài trợ

1. Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

2. Tiếp nhận tiền mặt:

Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

3. Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

4. Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

Xã hội

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025
Xã hội

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Vietnam Airlines Group - gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13.1.2025 đến 12.2.2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).