Những “triệu chứng” cần cảnh giác
Ngày 12.1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã giảm 0,3% so với cùng kỳ vào tháng 12 sau khi giảm 0,5% trong tháng 11.
Và trong khi CPI hàng năm vẫn ở mức dương 0,2%, mức thấp nhất trong 13 năm đã làm nổi bật những vấn đề mà Bắc Kinh phải đối mặt, vốn rất giống với “thập kỷ mất mát của Nhật Bản”, một số nhà kinh tế còn gọi là tình trạng “Nhật Bản hóa” - vốn đi kèm với giảm phát, sụt giảm tài sản và khủng hoảng nhân khẩu học, tất cả những triệu chứng đang xuất hiện ở nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo chi phí hàng hóa tại các nhà máy, đã giảm còn 3%, tức là giảm tháng thứ 15 liên tiếp trong tháng 12 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm ước tính 2,6% do Wind thăm dò trong tháng trước.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh vẫn coi lạm phát là mối đe dọa thường trực và thường xuyên đặt mục tiêu hạn chế tăng trưởng giá tiêu dùng hàng năm ở mức 3% trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lập luận rằng, tư duy này phải thay đổi vì giảm phát sẽ tạo ra nhiều mối nguy hiểm hơn cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm niềm tin vốn đã thấp và nhu cầu vẫn yếu.
“Các nhà hoạch định chính sách nên nhận ra rằng, giảm phát cũng gây ra thiệt hại đáng kể và không nên chủ quan với xu hướng này", Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải hôm 8.1. Ngân hàng Thụy Sỹ dự báo, CPI của Trung Quốc sẽ tăng 0,8% vào năm 2024.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Zhongtai Securities, Li Xunlei cho biết Trung Quốc nên xem xét đặt ra giới hạn cho lạm phát tiêu dùng thấp hơn, không dưới 1% để nâng cao kỳ vọng của thị trường.
Bắc Kinh dự kiến công bố các mục tiêu lạm phát, tổng sản phẩm quốc nội, cũng như tỷ lệ thâm hụt ngân sách và hạn ngạch trái phiếu địa phương… trong báo cáo của Chính phủ tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) vào đầu tháng 3 năm nay.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis, cho biết Trung Quốc đang chứng kiến sự chênh lệch lớn giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng giống như đã chúng ta từng chứng kiến ở Nhật Bản cách đây nhiều thập kỷ”. Bà cảnh báo rằng giảm phát có thể ảnh hưởng đến tiền lương và khu vực hộ gia đình.
“Giảm phát ở Nhật Bản không chỉ do dư thừa năng lực sản xuất. Nếu không có năng suất, tiền lương cần phải giảm vì không có lý do gì để trả lương cao hơn cho công nhân nếu năng suất giảm. Tăng trưởng tiền lương âm của Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2023 là dấu hiệu cho thấy áp lực giảm phát có thể trở nên cố hữu”, chuyên gia này bình luận.
Dữ liệu từ Cổng thông tin việc làm trực tuyến Zhilian Zhaopin cho thấy, mức lương trung bình cho nhân viên mới ở 38 thành phố lớn đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 10.420 NDT (1.458 USD) trong quý IV.
Ngược lại lịch sử, Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn giá tiêu dùng sụt giảm trong 25 năm qua, hai trong số đó trùng với các cuộc khủng hoảng tài chính.
Lần sụt giảm đầu tiên kéo dài 22 tháng bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1998. Giai đoạn này phần lớn là kết quả của việc Bắc Kinh thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế các khoản nợ xấu, cùng với nhu cầu bên ngoài sụt giảm sau cuộc khủng hoảng.
Vào năm 2002, một năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nước này đã rơi vào thời kỳ giảm phát ngắn, khi sự đổ bộ ồ ạt của các công ty nước ngoài đã giúp cải thiện năng suất và giảm chi phí.
Mối đe dọa giảm phát quay trở lại vào năm 2009, khi các nhà xuất khẩu của Trung Quốc lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bắc Kinh đã và sẽ làm gì?
Để đối phó với những “triệu chứng” đáng lo ngại mới nhất, từ mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn chưa vững chắc do thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn, khu vực tư nhân còn yếu, áp lực tạo việc làm tăng cao và chỉ số giá ở mức thấp.
Những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết lạm phát thấp và nền kinh tế trì trệ đã làm tăng kỳ vọng của thị trường về việc Chính phủ có thể có các “liều thuốc” làm dịu tình hình hơn nữa. Chi tiêu tài chính mạnh hơn và nới lỏng chính sách tiền tệ được đánh giá là biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy nhu cầu trong nước khi triển vọng xuất khẩu đối mặt với những bất ổn, đồng thời việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất sẽ giảm bớt áp lực lên giá.
Bắc Kinh đã nhận thức rõ về rủi ro này khi tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương vào tháng 12.2023 đã lần đầu tiên thừa nhận áp lực giảm phát sau khi tuyên bố “tổng tài chính xã hội và cung tiền phải phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giá cả”.