Tiểu luận Trip to Hanoi (Chuyến thăm Hà Nội) được tác giả Susan Sontag viết sau chuyến thăm miền Bắc Việt Nam tháng 5.1968. Sách được công bố lần đầu trên tạp chí Esquire tháng 12.1968.
Trong Chuyến thăm Hà Nội, Susan Sontag không đi sâu miêu tả từng sự kiện, từng cảnh vật bà quan sát thấy ở miền Bắc nước ta, mà qua những trang viết đầy suy tưởng, những câu từ mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Bà như đang tự sự về tâm trạng ngổn ngang mâu thuẫn của mình khi được tiếp xúc với một Việt Nam “bằng xương bằng thịt”.
Susan Sontag nhận thấy, Việt Nam là một cộng đồng, một thế giới quá khác biệt với nước Mỹ về văn hóa, ngôn ngữ, tâm lý, tính cách, tư tưởng. Miền Bắc Việt Nam có những điểm khiến bà cảm thấy “ngột ngạt” nhưng lại có những nét đẹp đến “chết lặng”, “thẫn thờ” và “kinh ngạc”…
Susan Lee Sontag (16.1.1933 - 28.12.2004) là nhà văn, nhà phê bình, triết gia và nhà hoạt động chính trị người Mỹ - người được đánh giá là một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của bà. Sontag viết nhiều tiểu luận về văn học, nhiếp ảnh, truyền thông, văn hóa, chiến tranh, bệnh tật, nhân quyền, và hệ tư tưởng tả khuynh. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà gồm: Against Interpretation (1966), On Photography (1977), Illness as Metaphor (1978), The Way We Live Now (1986), The Volcano Lover (1992), In America (1999) và Regarding the Pain of Others (2003).
Bà đã tham gia tích cực vào phong trào phản chiến ở Mỹ những năm 1960. Tháng 1.1968, cùng với hơn 500 nhà văn và nhà báo, Sontag ký vào bản cam kết “Không đóng thuế phục vụ chiến tranh Việt Nam”.
Chuyến thăm Hà Nội là hành trình tư tưởng của Susan Sontag. Nó khiến cho bà “không bao giờ có thể trở lại như trước được nữa”. Trong tâm trí bà, “cách mạng chỉ vừa mới bắt đầu” và sẽ còn tiếp diễn. “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ngự trị trong ý thức tôi như điển hình hoàn hảo cho nỗi khổ đau và ý chí anh hùng của “kẻ yếu”. Nhưng thực ra chính “kẻ mạnh” Hoa Kỳ mới là thứ ám ảnh tôi”…
Cuốn sách được NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tại Việt Nam với bản dịch của Phan Xích Linh. Để độc giả hiểu thêm về bối cảnh nước Mỹ vào thời điểm cuốn sách ra đời và quan điểm của tác giả về những vấn đề nóng bỏng ở Mỹ những năm 1960, cuốn sách in kèm một tiểu luận khác của Sontag mang tựa đề Chuyện gì đang diễn ra ở Mỹ, xuất bản lần đầu trên Tạp chí Partisan Review năm 1967.
Với Chuyến thăm Hà Nội, bên cạnh hành trình trở lại miền Bắc nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, độc giả còn được "ghé thăm" nước Mỹ và thế giới phương Tây trong những năm tháng đầy biến động này.
Trong cuốn sách có những thông tin, ý kiến, nhận định xuất phát từ góc nhìn cá nhân nên mang tính chủ quan của tác giả. Tôn trọng những ý kiến, nhận định đó và để bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, nhà xuất bản cố gắng giữ nguyên các ý kiến, nhận định của tác giả, đồng thời khẳng định đây là ý kiến riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của NXB Chính trị quốc gia Sự thật.