Đất đai là nguồn lực phục vụ cho người dân và doanh nghiệp
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nhấn mạnh, với các quy định của dự luật trình Quốc hội lần này, đất đai đã thực sự được coi trọng bằng những quy định cụ thể theo hướng đất đai không chỉ là tài sản mà còn là nguồn lực, nguồn vốn mang tính thị trường hơn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cho cả người dân và doanh nghiệp. Đó là, việc phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch hơn để Nhà nước tạo quỹ đất chủ động điều tiết cung cầu thị trường. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê; quyền được cho thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản sở hữu gắn liền với đất ngay trong lĩnh vực đất nông nghiệp; phân quyền cho UBND cấp huyện được quyết định giá cụ thể, phù hợp với thẩm quyền trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch…
Tại Khoản 3, Điều 16 quy định về việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1.1.2026; hằng năm, UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo. ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, do việc xây dựng Bảng giá đất rất phức tạp nên nếu quy định ban hành hàng năm sẽ rất tốn kém. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định hệ số điều chỉnh tương tự như hệ số K mà UBND tỉnh ban hành hàng năm hiện nay hoặc chỉ quy định tuỳ tình hình thực tế UBND tỉnh sẽ trình HĐND cấp tỉnh quyết định ban hành.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, dự thảo Luật cũng chưa có quy chế rõ ràng về việc thực hiện công khai như thế nào. Do đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch về giá đất. Nếu Chính phủ bỏ khung giá đất, giao cho UBND tỉnh tự xây dựng bảng giá đất thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng chênh lệch giá mỗi nơi một kiểu.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp
Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45).
Đối với nội dung này, dự thảo Luật được thiết kế có 3 phương án. Cụ thể,
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1, Điều 177.
Tán thành với Phương án 3, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, cho tạm quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện bảo đảm diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, so với phương án 1 thì phương án 3 cởi mở hơn và tạo cơ chế thuận lợi hơn cho việc phát triển trồng lúa quy mô lớn, bởi không bắt buộc cá nhân nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế khi diện tích nhận chuyển nhượng, tặng cho không quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định. Mặt khác, cũng hạn chế sự tích tụ đầu cơ đất trồng lúa quá lớn của những đối tượng không sản xuất thực sự trên đất trồng lúa bằng việc giới hạn. Nếu nhận chuyển nhượng, cắt đất trồng lúa quá hạn mức quy định thì phải thành lập tổ chức kinh tế cũng góp phần bảo đảm diện tích đất trồng lúa và phát huy, khai thác hiệu quả giá trị của đất trồng lúa.
Cũng ủng hộ phương án 3, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, phương án này sẽ dung hòa được cả 2 yếu tố, vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp; đồng thời, vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương.
Cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận, còn 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản ý kiến qua Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã giải trình, làm rõ một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị, báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội. So với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ Năm, dự thảo Luật lần này đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung, nhiều vấn đề quan trọng đã được thể chế hóa.
"Tuy nhiên, còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể. Các ý kiến thảo luận và tranh luận là xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với các vấn đề đang được trình Quốc hội 2 phương án, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án và đề xuất phương án hợp lý hơn. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét phương án khả thi nhất.
Nhiều vấn đề quan trọng của dự án luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích, góp ý sâu sắc như việc thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về quản lý sử dụng đất, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất; các trường hợp không phải đấu thầu đấu giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất, thẩm quyền, tiêu chí và điều kiện thu hồi đất, trường hợp thu hồi đất, trong đó chú ý đến đất trồng lúa, đất sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu cũng đề cập rõ hơn về cơ chế xác định giá đất, các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, thuê đất trả tiền hàng năm và trả tiền một lần giao đất cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số đại biểu tham gia ý kiến về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý sử dụng đất, kết hợp đa mục đích đất quốc phòng, an ninh, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đất ven biển, đất cho dự trữ khoáng sản, phát triển du lịch, dịch vụ điều khoản thi hành quy định chuyển tiếp kỹ thuật lập pháp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này và đề nghị tiếp tục nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật. Một số đại biểu đề nghị cần tập trung hơn nữa để đảm bảo thông qua luật tại kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật, đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.