Còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, giai đoạn 2020 - 2022, biên chế ngành giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) trên địa bàn cơ bản được quản lý chặt và sử dụng đúng quy định. Việc bố trí phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở GD - ĐT được các địa phương, đơn vị bố trí phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát huy trình độ chuyên môn... Cùng với đó, công tác biệt phái được thực hiện bảo đảm công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc cân đối viên chức từ nơi thừa đến nơi thiếu, nơi thừa nhiều đến nơi thừa ít, nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều… góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các đơn vị, địa phương.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng ghi nhận công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp GD - ĐT được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm thực hiện; qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, thiếu sót; yêu cầu các đơn vị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế và có giải pháp sắp xếp, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên hành chính cho phù hợp…Ngoài ra, giai đoạn 2020 - 2023, Sở Nội vụ đã tiến hành 6 cuộc thanh tra, 3 cuộc kiểm tra về việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục; tiếp 16 lượt công dân...
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ: việc thi tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục trên địa bàn hàng năm còn chậm; công tác biệt phái còn nhiều bất cập; một số địa phương, đơn vị không muốn tiếp nhận giáo viên biệt phái do phải bố trí ăn nghỉ cho giáo viên, cùng với tâm lý của giáo viên không phục vụ giảng dạy lâu dài tại nơi đến biệt phái nên hiệu quả không cao… Việc bố trí sắp xếp giáo viên có nơi chưa hợp lý dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ…
Qua làm việc trực tiếp tại một số đơn vị, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc biên chế hưởng lương ngân sách sự nghiệp GD - ĐT chiếm gần 85% biên chế ngân sách toàn tỉnh, đặt ra yêu cầu về tinh giản biên chế sự nghiệp khối GD - ĐT. Đáng chú ý, việc tinh giản biên chế tại các đơn vị còn mang tính cơ học, chưa gắn liền với việc phát triển dân số tự nhiên và cơ học hàng năm; thiếu các giải pháp tích cực trong việc xét tinh giản biên chế...
Bảo đảm việc tuyển dụng công khai, minh bạch
Từ thực trạng trên, Đoàn giám sát kiến nghị, Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ ở một số lĩnh vực (trong đó, có GD - ĐT) tạo hành lang pháp lý để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập… Bộ GD - ĐT cần kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức; quan tâm, phối hợp ban hành mã số, tiêu chuẩn của hạng chức danh, thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên đã được đào tạo, nâng cao trình độ.
Bộ GD - ĐT cũng cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại các cơ sở giáo dục phổ thông theo Chương trình phổ thông mới; chỉ đạo tổng kết mô hình trường liên cấp nhằm đánh giá đầy đủ, khách quan về ưu điểm, hạn chế mô hình trường liên cấp, làm cơ sở xây dựng phương hướng sắp xếp tổ chức bộ máy cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời, có hướng dẫn, tháo gỡ bất cập về công tác quản lý, sử dụng viên chức trong các trường liên cấp.
Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần, UBND tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tuyển dụng, quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục; chú trọng kiểm tra việc đánh giá, phân xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm... tránh hình thức, nể nang, đánh giá không sát thực tế… Bên cạnh đó, nâng cao công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục công lập phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó quan tâm quy hoạch, phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa phương phát triển công nghiệp, đô thị.
Cùng với các giải pháp trên, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành Quy chế điều động, luân chuyển (nếu chưa thực hiện) để thực hiện công khai, khách quan, công bằng… Hàng năm, kịp thời phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD - ĐT, bảo đảm tuyển dụng giáo viên các cấp học trước khi khai giảng năm học mới; công tác tuyển dụng cần có sự hướng dẫn thống nhất, đồng bộ, phân cấp triệt để, bảo đảm việc tuyển dụng công khai, minh bạch và đạt chất lượng.
Các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng lưu ý UBND các huyện, thị, thành phố chủ động rà soát cơ cấu, đội ngũ viên chức được giao theo vị trí việc làm; xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực ngành để có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng phù hợp… Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở GD - ĐT đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ được quy hoạch nguồn; xây dựng lộ trình đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30.6.2020 của Chính phủ; quan tâm công tác khen thưởng, thực hiện chế độ chính sách với đội ngũ giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý...