Sơn mài và tranh lụa - hai dòng nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đây là tiêu đề bài viết của danh họa Nguyễn Văn Tỵ thuộc tư liệu gia đình họa sĩ lưu giữ. Riêng nói về tranh lụa, bài viết đã phân tích lịch sử, giá trị độc đáo của dòng tranh cũng nhưng tên tuổi các họa sĩ gắn bó, làm nên đặc sắc tranh lụa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Theo quan sát đời sống mỹ thuật cùng thời, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ nhìn ra “vẽ lụa không phải chỉ có một phong cách. Có thể nói mỗi địa phương, mỗi phường thợ, mỗi giai đoạn lịch sử đều có kiểu thức sáng tạo nghệ thuật riêng trên những nét chung về truyền thống dân tộc…”.
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XIX, công chúng châu Âu đã biết có nghệ thuật vẽ ở Việt Nam qua tranh lụa với những tác phẩm hiện đại của Nguyễn Phan Chánh, Thang Trần Phềnh, Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân. Trong đó, Nguyễn Phan Chánh là người dày công nghiên cứu và khai phá loại hình tranh lụa hiện đại, với những bức vẽ mang phong vị rất Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp quan niệm hội họa hiện đại với những mảng màu đơn giản, ấm áp…
Nối gót đàn anh, các họa sĩ thuộc lớp sau tiếp tục đóng góp thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa. Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu… là những cái tên góp phần đưa tranh lụa ra toàn cầu, tạo nên tiếng nói độc đáo cho mỹ thuật Việt trên thế giới. Đó là tiếng nói đầy vẻ đẹp Á Đông, gợi nhắc sự tinh tế, khéo léo, kiên trì và mang đến cảm giác trong trẻo, êm dịu, ảo diệu cho người xem.
Ấy thế, cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ lụa cũng trải qua giai đoạn thăng trầm, thậm chí bị thoái trào với nguy cơ biến mất. Theo các nghiên cứu, vài năm cuối thập kỷ 1990, tranh lụa trở nên ế ẩm vì người ta phát hiện ra sự thoái hóa của chất liệu. Thị trường tranh lụa dần mất chỗ đứng, tranh lụa vắng mặt nhiều trong các gallery nhưng vẫn len lỏi trong đời sống hội họa. Có những họa sĩ đặc biệt yêu mến, bền bỉ vẽ trên lụa, như Vũ Giáng Hương, Mộng Bích, Vũ Đình Tuấn…
Vài năm trở lại đây, tranh lụa bỗng như hồi sinh, với nhiều tác phẩm tạo dấu ấn của họa sĩ trẻ. Tranh lụa Việt Nam đương đại mang nhiều nét mới trong cách vẽ cũng như cảm xúc của cá nhân họa sĩ. Vẫn là lụa mềm mại, thuần khiết nhưng cũng đầy mạnh mẽ, quyết liệt, ma mị. Không chỉ là màu sắc, đường nét, hình khối mà ở đó còn là những câu chuyện được khơi gợi từ thẳm sâu trong lụa.
Vì yêu thích chất liệu mềm mại của lụa mà họa sĩ Lưu Chí Hiếu lựa chọn con đường sáng tạo trên dòng tranh truyền thống này và muốn mang đến cho nó những sự khác biệt. “Tranh lụa của các thế hệ họa sĩ trước màu sắc thường nhẹ nhàng, uyển chuyển, còn trong các tác phẩm của mình, tôi mạnh dạn đột phá về màu, nhằm đem đến cho người xem cảm xúc tươi mới và gợi mở suy tư, cảm nhận khác nhau”.
Đã có thời gian sáng tác với nhiều chất liệu khác, nhưng đến với lụa, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn bị hấp dẫn bởi sự mỏng manh, trong trẻo của chất liệu này. Khi vẽ, anh không gò ép về mặt kỹ thuật mà tùy tạo hình sử dung kỹ thuật phù hợp nhất để làm nổi bật sự trong suốt và tính ước lệ của chất liệu.
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, tranh lụa mang lại cảm giác ấn tượng khi có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Những câu chuyện của đời sống đương đại, xúc cảm của họa sĩ được đưa vào tranh lụa một cách tự nhiên, đó là nét mới của tranh lụa.
“Qua lụa, tôi kể câu chuyện về cõi mộng mị của tôi, và về cả thế giới này”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhiều lần chia sẻ như vậy trong các triển lãm chung, riêng. Qua gần 20 năm thực hành với chất liệu đặc biệt này, anh nhận thấy lụa chính là cốt lõi trong hành trình sáng tác, vì chỉ lụa mới có khả năng truyền tải hiệu quả nhất ý tưởng của anh về những ẩn ức, những bí mật, ngóc ngách cảm xúc…
Nhiều ý kiến cho rằng, lụa rất quen thuộc với người Việt nhưng vẽ lụa và sống được với lụa thì chưa bao giờ là việc dễ dàng. Rất may, tư duy sáng tạo không ngừng của lớp nghệ sĩ đương đại đang kéo lụa trở lại, ngày một sôi động trong đời sống mỹ thuật Việt Nam.