Giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm, trước Kỳ họp thứ Ba, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH cũng đã đề nghị kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị định bảo đảm tính khả thi… Tuy nhiên, theo đại biểu, sau gần 4 tháng triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng (tỉnh Quảng Bình mới chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận 500 triệu đồng) – đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra trong Nghị quyết.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm chỉ rõ: Do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay (như phải có lãi ròng 3 năm liên tiếp - trong khi doanh nghiệp đã 2 năm điêu đứng vì đại dịch) mà với tiêu chí xét duyệt các gói hỗ trợ, chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn, tài chính tốt; có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, nhưng không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính; có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay bởi những quy định và nguyên tắc về an toàn tiền gửi…
"Ngoài các vướng mắc trên, khách hàng e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi sau này sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, các ngân hàng ngần ngại khi một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất sẽ gây nhiều hệ lụy”, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm chỉ rõ.
Trước thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị định. Cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh; mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện do khó bóc tách; hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản - nhóm chỉ có nhu cầu vay bằng ngoại tệ;…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với nhóm các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh vì khi nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thì tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà không gây ra lạm phát… "Đồng thời, có chính sách khuyến khích nếu đạt chỉ tiêu giải ngân đối với nhóm doanh nghiệp này sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng của năm sau; đơn giản thủ tục cho vay nhưng các ngân hàng vẫn phải kiểm soát chặt để dòng tiền không đi vào các khu vực phi sản xuất kinh doanh. Có như thế mới giải quyết được “cơn khát vốn” của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất…", ĐBQH Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Cần cơ chế thông thoáng hơn để tiếp cận nguồn vốn
Đề cập đến tình trạng lao động bất hợp pháp với những hậu quả nặng nề, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm đưa ra dẫn chứng: Mới đây nhất, hơn 1.000 lao động được giải cứu từ Campuchia và tình trạng lao động thời vụ tại thị trường Hàn Quốc bỏ trốn…
“Với những chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, người lao động đã dễ dàng bị lừa sang nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, bị bán vào các sòng bạc. Họ phải bất đắc dĩ trở thành tội phạm công nghệ cao, lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng, bị đánh đập, tra tấn, bị bán từ casino này sang casino khác, bị đòi trả tiền chuộc… Điều đáng buồn, sau khi được giải cứu, những cạm bẫy tiếp tục chực chờ, bài toán việc làm vẫn còn bỏ ngỏ…”, bà Nguyễn Minh Tâm phân tích.
Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm đánh giá và có các giải pháp cụ thể; các bộ, ngành liên quan tiếp tục siết chặt việc quản lý các công ty môi giới đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc triệt phá các đường dây môi giới mua, bán người; tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua app mà điển hình là những cuộc gọi mạo danh… Bởi, theo đại biểu, không phải ngẫu nhiên mà số người Việt được các lực lượng chức năng giải cứu thời gian qua tăng đột biến, điều này một phần cho thấy nỗ lực quyết liệt của các lực lượng chức năng nhưng một phần nó thể hiện sự diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng của người lao động “khát” việc làm, nhất là sau cơn đại dịch..
Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,35%, dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn so với năm 2019 – trước đại dịch (là 2,17%). Điều này, đòi hỏi Chính phủ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm…
Đại biểu cũng nêu rõ: Tại Nghị quyết 11, tổng nguồn vốn hỗ trợ, duy trì, mở rộng, tạo việc làm là 10.000 tỷ đồng. Song thực tế, nguồn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế; năm 2016 đến nay, NSNN không cấp bổ sung cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay hàng năm. Nghị định số 61/2015, Nghị định số 74/2019 của Chính phủ cho phép Ngân hàng chính sách xã hội huy động vốn để cho vay. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn từ Chương trình rất lớn nên việc bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.
Thực tế đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, cần có cơ chế thông thoáng hơn để tiếp cận nguồn vốn trên. Cụ thể, tháo gỡ sự chồng chéo giữa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật việc làm với hướng dẫn đề nghị vay vốn ban hành kèm theo Nghị định số 74 của Chính phủ để người lao động tiếp cận vốn vay ngay tại địa phương mà họ mở cơ sở sản xuất chứ không cần có xác nhận của địa phương nơi cư trú hợp pháp… Việc tạo điều kiện giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho người lao động không chỉ giải quyết tận gốc vấn đề đưa người Việt Nam đi lao động trái phép mà còn góp phần hạn chế tình trạng mua, bán người.
Trong khuôn khổ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Quảng Bình có một số nhiệm vụ, dự án liên quan đến ngành y tế phải thực hiện trong 2 năm 2022-2023, nhưng tới nay vẫn chưa được phân bổ, theo đó, sẽ khó bảo đảm tiến độ thực hiện trong năm 2023… “Để việc triển khai chương trình bảo đảm được mục đích và chất lượng, Quốc hội cần xem xét kéo dài thời gian triển khai chương trình này đến năm 2024 để tránh lãng phí một chính sách và nguồn lực mang tính vĩ mô”, bà Nguyễn Minh Tâm đề nghị.