Theo đó, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ sẽ tăng từ ngày 1/6 tới.
Đối tượng áp dụng điều chỉnh giá là các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, gồm: 29 bệnh viện, 1 khu điều trị, 2 trung tâm, 1 phòng khám chuyên khoa thuộc tuyến thành phố; 23 bệnh viện quận - huyện và 322 trạm y tế phường - xã, thị trấn. Phương án điều chỉnh giá viện phí xây dựng theo lộ trình 3 năm (năm 2014, năm 2015, năm 2016, điều chỉnh vào ngày 1/6 hàng năm). Đến năm 2016, mức viện phí sẽ đạt mức tối đa trên khung giá mà TTLT 04 quy định.
Cụ thể, từ ngày 1/6/2014: điều chỉnh giá 477 dịch vụ kỹ thuật thuộc phần A, B, C (trừ phần C4) đạt 75% mức tối đa khung giá theo TTLT 04; Điều chỉnh giá 1.519 dịch vụ kỹ thuật thuộc phần C4 đạt 65% mức tối đa khung giá theo TTLT 04. Từ ngày 1/6/2015, các nhóm dịch vụ trên sẽ được điều chỉnh tương ứng lên 85% và 75% mức tối đa khung giá theo TTLT 04. Từ 1/6/2016 bằng 100% mức tối đa theo khung giá.
Riêng đối với 25 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC có giá bằng hoặc thấp hơn giá cũ, thực hiện mức 100% khung giá TTLT 04; đồng thời giữ nguyên giá đối với 1.038 dịch vụ kỹ thuật không quy định tại thông tư liên tịch này.
Được biết, từ ngày 29/2/2012, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC về mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/4/2012. Tuy nhiên, để tránh tác động đến đời sống người dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn, TP Hồ Chí Minh đã hoãn thời gian thực hiện việc điều chỉnh này. Như vậy, với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ 1/6 tới thì TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương cuối cùng trên cả nước tăng viện phí theo thông tư trên. Trước khi áp dụng mức giá viện phí mới, mỗi năm ngân sách Thành phố cấp cho ngành y tế đều tăng, riêng năm 2013 ngân sách phải chi 2.415 tỷ đồng.
<i>Theo dangcongsan.vn</i>