Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 389) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn thách thức, các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, sản xuất hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm... tiếp tục diễn biến phức tạp, không giảm.
Mặc dù, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng vi phạm kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại với số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý lớn nhưng vẫn có nhiều trường hợp tái phạm.
Trong năm 2023, các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo 389 đã thanh tra, kiểm tra 20.776 vụ (tăng 728 vụ, tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó phát hiện, bắt giữ 4.322 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu; 15.097 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 1.357 vụ vi phạm về hàng giả. Khởi tố 34 vụ với 41 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 4.518 tỷ đồng (tăng gần 766,4 tỷ đồng, tăng 20,43% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra 7.773 vụ (không tăng, giảm so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó kiểm tra và xử lý: 1.203 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; 5.964 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 606 vụ vi phạm về hàng giả; khởi tố 27 vụ với 41 đối tượng; tổng số tiền thu nộp ngân sách 1.362,3 tỷ đồng (giảm hơn 416,5 tỷ đồng, giảm 23,41% so với cùng kỳ năm 2023).
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị, trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 cần phối hợp chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nội địa, đặc biệt là tập trung kiểm tra kiểm soát các đường dây buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tổ chức phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu; phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; kịp thời kiến nghị các khó khăn về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389.
Đồng thời, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả tại địa phương, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng hành cùng lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.