Ông Lê Văn Ngọc (SN 1970, trú ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) vừa phản ánh về việc thửa đất nông nghiệp số 1350, tờ bản đồ số 02 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh “mọc lên” nhiều công trình xây dựng không phép, và khu đất này đang được TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết tranh chấp.
Cụ thể, TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo số 274/TB-TLVA về việc thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất do ông Ngọc là nguyên đơn. Hiện TAND TP. Hồ Chí Minh đang thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án.
“Trong khi tôi đang chờ TAND TP. Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp thì nhiều tháng nay ông Nguyễn Bá Tòng (người có liên quan trong vụ tranh chấp) đã nhiều lần tự ý đưa người vào chặt phá cây, tập kết vật liệu, xây dựng nhà bằng khung thép, lợp tôn và xây hàng rào bằng gạch kiên cố bao quanh khu đất. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đất quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi, gây khó khăn cho quá trình giải quyết, thi hành án sau này”, ông Ngọc trình bày.
Ông Ngọc cho biết, ông đã nhiều lần gửi đơn tới UBND xã Tân Kiên nhưng vụ việc chưa được xử lý dứt điểm. Các công trình xây dựng không phép vẫn liên tục “mọc lên” trên thửa đất nông nghiệp đang được tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp.
Ngày 23.12.2024, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch UBND xã Tân Kiên Nguyễn Văn Tuấn xác nhận, UBND xã Tân Kiên nhiều lần nhận được đơn của ông Ngọc phản ánh việc ông Nguyễn Bá Tòng xây dựng công trình trên đất đang tranh chấp. UBND xã Tân Kiên đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, gần đây ông Tòng tiếp tục dựng công trình bằng tôn tại khu đất trên.
“Cách đây khoảng 2 tuần, UBND xã Tân Kiên đã mời ông Tòng lên làm việc và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm”, Chủ tịch UBND xã Tân Kiên Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Theo đó, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Ngoài ra, hành vi thi công công trình xây dựng mà không có giấy phép xây dựng có thể bị phạt tiền lên đến 140 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin vụ việc tới bạn đọc, cử tri cả nước.