UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chung của kế hoạch là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho Thành phố và các địa phương trong khu vực Nam bộ.
Kế hoạch sẽ gắn kết chặt chẽ với Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ ban hành kèm theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND của UBND Thành phố; tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Các lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bao gồm: Lĩnh vực Công nghệ thông tin - truyền thông, Cơ khí - Ô tô, Cơ điện tử - Tự động hóa, Kế toán - Tài chính - Ngân hàng - Quản trị doanh nghiệp, Logistics, Chăm sóc sức khỏe, Du lịch, Xây dựng - Môi trường - Đô thị.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố.
Thành phố sẽ lựa chọn, đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố theo định hướng trường chất lượng cao; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố làm cơ sở để tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, khuyến khích, ưu đãi trong thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%.
Thành phố cũng sẽ tập trung các giải pháp: Đa dạng hóa trong công tác truyền thông ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bằng các hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí), truyền thông qua mạng viễn thông và internet, tổ chức các sự kiện về giáo dục nghề nghiệp (hội thi, hội diễn, hội thao, lễ tuyên dương, ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp) nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vị trí, tầm quan trọng của nguồn nhân lực sau tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp cho phụ huynh, học sinh.
Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu lao động; Định hướng, phân luồng học sinh bậc trung học; phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học và công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.