Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng chống ung thư trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn gặp khó khăn như việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn; ít chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư được thực hiện trong cộng đồng; năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn …
Do đó, thời gian tới ngành Y tế đã có kế hoạch triển khai chiến lược phòng chống ung thư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vắc xin,... trong phòng ngừa ung thư và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tầm soát phát hiện sớm bệnh lý ung thư trong cộng đồng, bao gồm cả chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của WHO tại tuyến y tế cơ sở (Chương trình WHO PEN) và nghiên cứu triển khai trung tâm tầm soát và phát hiện sớm ung thư bằng công nghệ cao (mô hình Ningen dock của Nhật Bản).
Bên cạnh đó ngành Y tế cũng sẽ xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư; Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng; Chuyển đổi số công tác báo cáo, giám sát và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để chương trình phòng, chống ung thư hiệu quả cần phải triển khai đồng bộ các thành tố trọng tâm như đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa ung thư, tầm soát phát hiện sớm, nâng cao năng lực điều trị ung thư của các cơ sở y tế chuyên sâu...
Với khuyến cáo này, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh xác định rõ việc xây dựng chiến lược phòng chống ung thư với các hoạt động trọng tâm được triển khai đồng bộ theo khuyến cáo của WHO là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành y tế.