Tầm quan trọng của công tác truyền thông
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trong 5 năm qua tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 90% năm 2023. Do công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, nhiều người nghiện thuốc lá lâu năm đã gọi điện đến đường dây tư vấn cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Bạch Mai để cai thuốc.
Ông Hoàng Tuấn Trung (60 tuổi, Hà Nội) cho biết, “tôi nghiện thuốc lá 30 năm, có thời điểm mỗi ngày hút hơn 1 bao thuốc lá. Gần đây thấy sức khỏe yếu đi nhiều, thường ho và khạc đờm, nên tôi quyết tâm cai. Ban đầu rất khó, tôi không kiên trì được và hút lại. Lần thứ hai cai, tôi đặt mục tiêu quyết tâm trong 1 tháng phải từ bỏ thuốc lá. Giờ đã 3 tháng trôi qua, tôi đã hoàn toàn cai được thuốc lá”.
PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế và giao cho bệnh viện là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình này tại 63 tỉnh, thành phố. Bệnh viện đã có nhiều hoạt động từ đào tạo cho cán bộ y tế về việc phát hiện những bệnh nhân nghiện thuốc lá để có các biện pháp cai nghiện thành công, đến tổ chức tập huấn truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng hiểu biết rõ về tác hại của thuốc lá, về các bệnh do thuốc lá gây ra. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn triển khai tập huấn cho cán bộ mạng lưới phòng chống tác hại thuốc lá tại các tỉnh, thành phố, thông qua đó, các cán bộ truyền thông giáo dục sức khoẻ tiếp tục triển khai tuyên truyền tại địa phương mình, tại cơ sở mình công tác.
Lan tỏa các chủ trương, chính sách
Một trong những nội dung trọng tâm mà Bệnh viện Bạch Mai triển khai là mạng lưới đào tạo giảng viên nguồn giúp lan tỏa các chủ trương, chính sách, đường lối về phòng chống tác hại thuốc lá đến với người dân, đến được các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó chủ động phòng ngừa được các tác hại và bệnh tật do thuốc lá gây ra.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Vũ Văn Giáp, Bệnh viện đã triển khai các hình thức cai nghiện thuốc lá khác nhau như: hệ thống tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí, thường xuyên giải đáp các câu hỏi tư vấn cho người nghiện thuốc lá thay đổi nhận thức, hành vi và biết được các phương pháp để vượt qua các cơn thèm thuốc, vượt qua các triệu chứng do cai nghiện thuốc lá gây ra, đồng thời giúp cho họ cai nghiện thành công.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai còn đẩy mạnh công tác khám và tư vấn trực tiếp cho người dân. Chẳng hạn, bệnh nhân ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… có hút thuốc lá sẽ được tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân trực tiếp các biện pháp để cai nghiện thành công. Tư vấn cho phụ huynh của các bệnh nhi đang nằm tại điều trị tại Trung tâm Nhi khoa – đối tượng hút thuốc lá thụ động về cách bảo vệ cho trẻ em khỏi khói thuốc lá. Đồng thời, tư vấn cho phụ huynh cai nghiện thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho cộng động, cho một thế hệ trẻ khoẻ mạnh.
Chương trình còn tư vấn cho các bà mẹ đang mang thai tại Khoa Sản để họ biết cách tự phòng tránh tiếp xúc với khói thuốc để tránh ảnh hưởng đến bào thai. Tư vấn cho người chồng quyết tâm cai nghiện thuốc lá thành công để khi đón con chào đời không tiếp xúc với khói thuốc lá từ bố khi khi mới sinh ra.
PGS.TS. Vũ Văn Giáp thông tin, từ khi triển khai đến nay, chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều trường hợp được tư vấn và hướng dẫn được cai nghiện thành công. Những trường hợp này đều được trao chứng nhận cai nghiện thuốc lá thành công, lan toả hành động tích cực về bảo vệ sức khoẻ tới cộng đồng.