Căn cứ Công văn 4951 của UBND TP. Hồ Chí Minh về tăng cường các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn xử lý hoạt động “tín dụng đen”, đồng thời bám sát chỉ đạo Công điện 766 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt tấn công với loại tội phạm này. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an Thành phố, cơ quan chức năng đã triệt phá được nhiều vụ án, nhiều bị can liên quan hoạt động tín dụng đen, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, từ 15.9 đến 30.10, Công an 21 quận huyện TP Thủ Đức và các đơn vị nghiệp vụ công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố điều tra tổng cộng 31 vụ án/62 bị can để điều tra, làm rõ các hành vi cho vay lãi nặng, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản.
Điển hình, Công an Thành phố đã triệt phá thành công 2 băng nhóm tội phạm Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do đối tượng Phạm Văn Trường (SN 1990, quê Nam Định) và Vũ Huy Hùng (SN 1992, quê Ninh Bình) cầm đầu; triệu tập các đối tượng liên quan, khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng tại quận 8, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh; tạm giữ nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Cơ quan CSĐT Công an Thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng, gồm: Phạm Văn Trường, Phạm Văn Khu, Phạm Hùng Cường, Đỗ Võ Hoài Nhân về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm: Vũ Huy Hùng, Lâm Hoàng Sơn, Nguyễn Vũ Linh về tội "Cưỡng đoạt tài sản" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố cũng triệt phá băng nhóm "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do: Phạm Thái Minh (Minh đen, SN 1986, ngụ Bình Thạnh), Trần Thị Thanh (SN 1995, quê Quảng Ninh), Lê Nguyễn Hoàng Oanh (SN 1983, quê Đồng Nai), Nguyễn Văn Khoản (SN 1984, quê TP Hà Nội) thực hiện.
Các đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo cho vay (Công ty tài chính F86 cho vay tiêu dùng, hay vay trả góp với khẩu hiệu như "Vay vốn trong ngày", "Alo là có tiền"...); lãi suất vay cao gấp 178 lần mức trần tiền vay do Ngân hàng Nhà nước quy định; thủ đoạn đòi nợ là quấy rối, uy hiếp người thân quen của người vay tiền.
Quá trình điều tra, truy bắt các đối tượng, Cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở về các tỉnh như: Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Ninh. Cơ quan CSĐT Công an Thành phố đã ra lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng Phạm Thái Minh, Nguyễn Văn Khoản, Trần Thị Thanh về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" để xử lý hình sự.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và truy xét thông tin từ số điện thoại ghi trên các tờ quảng cáo trái quy định, Công an quận 4, quận Gò Vấp và quận Bình Tân phát hiện, khởi tố 3 vụ án/3 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" với mức lãi suất cho vay từ 180% đến 304,2%/năm, bước đầu chứng minh số tiền thu lợi bất chính khoảng 183 triệu đồng.
Ngoài ra, Công an quận 12 đã truy xét, bắt giữ 2 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại TP Hà Nội di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh nhận dịch vụ thu hồi nợ trái pháp luật. Các đối tượng này đã dùng thủ đoạn tạt sơn, chất bẩn vào nhà người vay để gây áp lực buộc thanh toán các khoản nợ vay quá hạn để chiếm đoạt.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này, thời gian tới Công an TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung đấu tranh đối với các đường dây, tổ chức tội phạm có yếu tố nước ngoài, hoạt động cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản "núp bóng" doanh nghiệp, công ty kinh doanh tài chính, tín dụng tiêu dùng, cho vay qua app, vay trực tuyến trên không gian mạng…
Ngoài ra, người dân cũng cần đề cao cảnh giác và thận trọng khi vay tiền hoặc sử dụng dịch vụ tài chính. Cần xem xét các điều khoản và điều kiện, cũng như tính toán kỹ lưỡng về khả năng trả nợ. Nếu cảm thấy có sự áp lực hoặc không rõ ràng về các điều khoản, người dân nên tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tài chính hoặc cơ quan chức năng để không vướng vào “bẫy tín dụng đen” dưới mọi hình thức.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tìm đến tín dụng đen là nhu cầu vay tiền của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều người dân đối diện với khó khăn tài chính. Họ cần tiền để giải quyết các vấn đề như thanh toán hóa đơn, mua sắm thiết yếu, hoặc khắc phục các tình trạng khẩn cấp.
Mới đây, Báo Đại biểu Nhân dân nhận được phản ánh của chị N.N.P.T. (SN 1989, ngụ huyện Hóc Môn) về việc gia đình chị vướng vào “tín dụng đen”, việc phải trả mức lãi suất “cắt cổ” khiến gia đình chị kiệt quệ. Khi không còn khả năng trả lãi thì bị chủ nợ chửi bới, đe doạ.
Theo trình bày của chị T., trong lúc gia đình khó khăn, chồng chị đã vay của bà Y. số tiền 350 triệu đồng với tiền lãi phải trả là 35 triệu đồng/350 triệu đồng (tương đương 10%/tháng; 120%/năm). “Số tiền lãi chúng tôi đóng đã hơn cả tiền gốc, giờ làm ăn quá khó khăn nên vợ chồng tôi không thể xoay sở đóng lãi được nữa thì bị chủ nợ chửi bới, đe dọa”, chị T. kể.
Chị T. cho biết thêm, khi bị vợ chồng bà Y. dí nợ, ngày 8.11, gia đình chị phải cầm tiếp căn nhà với số tiền 400 triệu đồng cho ông D. (chồng bà Y.) với lãi suất 120%/năm.