TP. Cần Thơ: Lần đầu tiên áp dụng thay khớp gối chuôi dài điều trị bướu xương

Ngày 30.1, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công trường hợp bướu đầu trên xương chày có kích thước lớn xâm lấn mô mềm bằng phương pháp thay khớp gối chuôi dài. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh nhân nữ L.T.B.N, 59 tuổi (Ninh Kiều, Cần Thơ), được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám ngày 9.1.2024 với tình trạng đau nhiều khớp gối trái, hạn chế vận động. Tiền sử bệnh nhân có chấn thương gối trái do tai nạn giao thông khoảng 6 tháng, sau đó khớp gối trái thường xuyên sưng đau, nhiều khi đứng, vận động, sinh hoạt rất khó khăn.

Lần đầu tiên áp dụng thay khớp gối chuôi dài điều trị bướu xương tại ĐBSCL -0
Các bác sĩ thực hiện ca mổ

Kết quả chụp cộng hưởng từ khớp gối trái ghi nhận: Tổn thương hủy xương đầu trên xương chày trái, xâm lấn, huỷ vỏ xương, lan ra mặt khớp, kích thước 5.5 x 5.7x 6.7cm, phù mô mềm xung quanh. Bệnh nhân đã được mổ sinh thiết lấy mô bướu đầu trên xương chày làm giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán là bướu đại bào. Xác định đây là trường hợp khó vì bướu đại thực bào kích thước lớn xâm lấn gần như toàn bộ mô mềm và mặt khớp gối trái, liên quan với các mạch máu, thần kinh lớn vùng khoeo chân trái, các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật sớm hạn chế nguy cơ gây huỷ xương.

Hội chẩn chuyên môn đã phân tích cụ thể: Nếu quyết định cắt cụt chi thể để triệt căn u cho bệnh nhân thì bệnh nhân vĩnh viễn mất đi chân trái, mất chức năng chân, không thể đi lại và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhưng nếu không cắt chân trái thì thách thức lớn đặt ra là vừa phải đảm bảo phẫu thuật cắt rộng rãi xương nhằm loại bỏ triệt căn khối u, vừa phải tạo hình lại khớp.

Lần đầu tiên áp dụng thay khớp gối chuôi dài điều trị bướu xương tại ĐBSCL -0
Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật 

Hội chẩn chuyên môn đưa ra phương án cắt khối u và phần mềm rộng rãi, thay khớp gối nhân tạo chuôi dài cho bệnh nhân. Chuôi dài có chức năng thay thế cho đoạn xương đã cắt.

Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành phẫu thuật với sự phối hợp của hai ê-kíp: Ê-kíp thứ nhất, tiến hành bóc tách, cắt rộng bướu và cắt xuống đoạn xương chày cách mâm chày khoảng 12cm, kiểm tra hết mô bướu, bóc tách mạch máu và thần kinh. Ê-kíp thứ hai, tiến hành thay khớp gối trái toàn phần có bản lề chuôi dài, đồng thời xoay vạt cơ bụng chân che phủ phần xương đã khuyết, phẫu thuật diễn ra thành công sau 5 giờ với hơn 10 y bác sĩ thực hiện. Hiện, bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, bàn chân hồng ấm, cử động cổ chân và các ngón chân tốt, bệnh nhân đã tập đứng và tập đi lại bằng khung.

Trưởng khoa Thay khớp và Ung bướu học chỉnh hình (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), BSCKII. Dương Khải cho biết: Điều trị ngoại khoa tình trạng ung thư xương hoặc bướu xương có kích thước lớn gây hủy xương như trước đây vẫn là phẫu thuật cắt rộng khối bướu xương và hàn cứng khớp hoặc cắt cụt chi. Phương pháp cắt cụt kinh điển hoặc cắt rộng bướu và hàn khớp thường để lại di chứng nặng nề về mặt tâm sinh lý và chức năng chi thể sau phẫu thuật, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân trẻ tuổi.

Trên thế giới, việc ứng dụng các khớp nhân tạo chuôi dài là một trong những tiến bộ của khoa học kỹ thuật được áp dụng vào trong y học. Cụ thể trong trường hợp này các bác sĩ sử dụng khớp gối nhân tạo bản lề chuôi dài để thay cho phần đầu trên xương chày đã được cắt bỏ.

Đây là phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, trên thế giới thì phẫu thuật này chỉ được thực hiện tại các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn ở các nước phát triển, mở ra tia hy vọng với các bệnh nhân bị bướu xương để bảo tồn được chi thể, khôi phục lại chức năng các khớp và giúp các bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng.

Tin tức

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận
Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận

Liên quan tới vụ việc 6 vị khách du lịch bị nghi ngộ độc khi đi du lịch tại Ninh Thuận, tối ngày 1.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Ảnh: PV
Sức khỏe

Chính sách “cốt lõi” hướng tới mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhìn nhận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.