Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Theo dự thảo báo cáo, trong suốt giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; các bộ ngành đã phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết, mang lại kết quả khái quát như sau: Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện theo quy định của pháp luật. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo. Công tác quản lý thu, chi, đầu tư Quỹ BHXH đúng quy định của pháp luật; cơ cấu đầu tư Quỹ chuyển dịch theo hướng an toàn; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận thu từ đầu tư tăng hàng năm.
Chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Chính sách BHXH đã thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng triệu người lao động khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động; vị thế xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế dần nâng cao. Chính sách BHYT đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.
Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện; số người tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng qua các năm; số người tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng. Chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được chú trọng và tăng cường...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng: Diện bao phủ bảo hiểm xã hội thấp, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách kinh tế-xã hội khác…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cần phân công cụ thể cơ quan chủ trì có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, đối với bảo hiểm xã hội thực hiện theo đúng tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đối với bảo hiểm y tế đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan....
Các ban, bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Cần coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp, tích hợp, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, dân cư, y tế, lao động- việc làm; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình có hành động cụ thể, thiết thực để đưa đường lối của Đảng về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống.