Trưng bày giới thiệu đến nhân dân, du khách những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk thông qua những bộ trang phục truyền thống, những bộ trang sức và vật dụng hàng ngày.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Đinh Một cho biết, văn hóa các dân tộc Việt Nam rất đa dạng từ ẩm thực, trang phục, nếp nhà ở, cách thức sản xuất đến ca hát, hội hè, thờ cúng, cưới xin… Trong đó, trang phục là thành tố mà bản sắc dân tộc biểu hiện rõ nét và dễ nhận diện. Có thể xem trang phục là bức thông điệp của các cộng đồng cư dân về quá trình lịch sử và giao lưu văn hóa.
Đắk Lắk có văn hóa phong phú với 49 dân tộc cùng sinh sống. Thông qua những hiện vật và hình ảnh, trưng bày chuyên đề còn góp phần tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng; hướng đến tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tạo không gian cho các chủ thể văn hóa thực hành di sản và du khách có cơ hội trải nghiệm, giao lưu trực tiếp với các chủ thể văn hóa, Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: dệt vải thổ cẩm, giới thiệu một số đặc sản của tỉnh Đắk Lắk, thực hành và thưởng thức món ăn truyền thống của người Ê Đê.
Dịp này, Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hoạt động chuyển đổi số như: ra mắt và đưa hệ thống thuyết minh tự động vào phục vụ khách tham quan trưng bày; hướng dẫn du khách sử dụng app tham quan trên các thiết bị điện tử thông minh. Hệ thống thuyết minh tự động được bố trí tại các không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng giúp du khách chủ động tìm hiểu thông tin, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.