Nhiệm vụ lập pháp quan trọng, cấp thiết
Đất đai là tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản và chủ yếu của nhân dân, có ý nghĩa, tác động lớn đối với sự phát triển của đất nước. Luật Đất đai năm 2013 ra đời có tác dụng lớn trong việc quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, cùng với biến động của giá cả thị trường cũng như tình hình thực tiễn, các quy định của Luật Đất đai hiện hành không còn phù hợp nữa, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… Việc sửa đổi Luật Đất đai đã được ĐBQH các khóa trước đề đạt, Quốc hội Khóa XV xem đây là một nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Vì ý nghĩa đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng để lấy ý kiến nhân dân.
“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được tổ chức rộng rãi, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Qua đó, cũng là để tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - cử tri Ngô Đức Thái, xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An chia sẻ.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra 10 nhóm nội dung mới, bao trùm nội dung Luật cũ, cơ bản khắc phục những bất cập thực tiễn thực thi Luật Đất đai đang đặt ra. “Nội dung nào cũng cần thiết và quan trọng cả. Nhưng theo tôi cần hoàn thiện quy định về giá đất, cho thuê đất, giao đất, cấp quyền sử dụng đất - những thủ tục mà thực tế xảy ra nhiều sai phạm nhất hiện nay. Cần phân tích rõ nguyên nhân, quy định càng rõ, minh bạch thì mới giảm được tình trạng lợi dụng quy định của luật, lách luật để trục lợi” - cử tri Trần Lê Văn, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng bày tỏ.
Bảo đảm lấy ý kiến thực chất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3.1 - 15.3.2023 với 9 nhóm nội dung chủ yếu. Để việc lấy ý kiến thực chất, trước hết việc triển khai phải được đôn đốc thực hiện kịp thời để đông đảo cử tri và nhân dân tiếp cận được nội dung lấy ý kiến, ngoài kênh đăng tải trên hệ thống các cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
“Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện, việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị trực tiếp ở khu dân cư đến người dân có địa điểm đóng góp ý kiến trực tiếp cũng là cách cần làm ngay để lấy được nhiều ý kiến của người dân. Đăng tải, phát trên các phương tiện thông tin để người dân biết, tìm hiểu là cần thiết nhưng không phải ai cũng có thời gian, điều kiện để khai thác, nghiên cứu và góp ý. Do đó, cần phân loại đối tượng để có hình thức lấy ý kiến phù hợp. Riêng thông qua kênh đại biểu dân cử, có thể tổ chức TXCT chuyên đề về đất đai và dự thảo Luật để lấy thêm ý kiến của cử tri về nội dung này" - ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.
Ngoài ra, để lấy ý kiến được thực chất, nhiều địa phương cũng đã có sáng kiến phân loại đối tượng để khoanh vùng vấn đề cho phù hợp. Như ở Nghệ An, việc lấy ý kiến được chia thành các nhóm đối tượng. Đối với các hộ gia đình, cá nhân là các vấn đề như quy định pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; định giá đất phù hợp với giá thị trường; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa... Đối với các tổ chức, doanh nghiệp là quy định về xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất; thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại... Đối với các đơn vị quản lý nhà nước là các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đất có nguồn gốc nông, lâm trường...
Đặc biệt, điều đông đảo cử tri và nhân dân mong muốn là việc tôn trọng và tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo đó, quá trình tổ chức đa dạng về hình thức, lấy ý kiến thực chất thì phân công cơ quan, cá nhân tổng hợp, tập hợp để báo cáo, thông tin, đồng thời phải gửi được thông tin, ý kiến tới cơ quan tổng hợp cấp trên, tới Ban Soạn thảo để có tiếp thu, giải trình, phân tích, chọn lọc; tốt nhất nên có phản hồi với cử tri và nhân dân, nhất là những cử tri tâm huyết, có nhiều ý kiến đóng góp. Cần có sự phản hồi hai chiều trong tiếp nhận ý kiến đóng góp vào văn bản luật nói chung và dự thảo Luật Đất đai nói riêng đối với cử tri. Những ý kiến không được tiếp thu thì vì sao cũng cần có sự giải trình rõ ràng, minh bạch. Có như vậy, những lần lấy ý kiến tiếp theo và việc vận động cử tri, nhân dân đóng góp ý kiến vào các vấn đề quốc gia, địa phương mới được cử tri hưởng ứng, tham gia trách nhiệm và đông đủ.