Năm 1985, Đoàn kịch Hải Phòng đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành vở Lịch sử và nhân chứng (kịch bản: Hoài Giao, đạo diễn: Vũ Minh), tiết mục đi dự Hội diễn Sân khấu Toàn quốc đợt I. Vừa là thư ký trợ lý cho đạo diễn Vũ Minh, vừa có vai diễn trong vở nên tôi rất bận rộn, phần lo hoàn thành vai diễn, phần lo công việc phụ tá cho tròn.
Ấy vậy mà một hôm, tôi nhận được lời mời cộng tác với Phòng Văn nghệ Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố và Phòng Văn hóa quận Hồng Bàng, tiến hành một công việc hy hữu. Nói như vậy vì công việc này, trước đó chưa thấy ai làm - và từ đó tới nay cũng chưa thấy chuyện tương tự.
Đầu đuôi thế này: thời gian đó, ông T.X, nguyên lãnh đạo cao nhất của Bộ CHQSTP, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo bộ đội, kết hợp rèn luyện quân sự với làm ăn kinh tế và hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống. Việc làm này, ở thời điểm ấy (cũng tựa như chủ trương khoán 10 trong nông nghiệp) đã gây ra những nhận định trái chiều, thậm chí còn đưa đến “tai nạn” cho người khởi xướng.
Hơn hai thập kỷ trôi qua, đúng sai đã có kết luận. Bài viết này tác giả chỉ muốn kể lại câu chuyện của mình: biên tập và thuyết minh cho Romeo và Juliet, bộ phim được đưa về Hải Phòng theo những chuyến viễn dương làm kinh tế của “bộ đội ông T.X”.
Bộ phim được sản xuất tại nước Anh, nói tiếng Anh (dĩ nhiên) và vì vào Hải Phòng theo đường “tiểu ngạch” nên tất nhiên cũng không có bản thuyết minh gốc kèm theo. Việc cần phải làm ngay nếu muốn quảng bá bộ phim tới đông đảo người xem (mục đích chủ yếu khi đưa bộ phim này về nước) là phải có bản thuyết minh trong tay. Giai đoạn này, chiếc máy thu hình dù chỉ là loại đen trắng cũng đang còn là mơ ước của nhiều gia đình. Điều đó đã khiến những người chủ xướng phải nghĩ đến sự chi viện của giới sân khấu chuyên nghiệp để đưa bộ phim ra khai thác càng sớm càng tốt.
Nhưng bằng cách nào để có được bản thuyết minh đây? Chính vì vậy mà tôi đắn đo chưa dám nhận lời cộng tác.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, “cái khó ló cái khôn”, tôi đã tìm ra cách giải quyết. Phương tiện gỡ rối cho tôi chính là Tuyển tập kịch Sêchxpia, xuất bản năm 1963, dày 800 trang, được dịch từ nguyên bản tiếng Anh, gồm năm vở kịch tiêu biểu của đại văn hào, trong đó có Romeo và Juliet. (Tuyển tập kịch này vốn là niềm kiêu hãnh trong tủ sách “mini” của tôi khi còn đang học trường sân khấu. Nó có giá 5,3 đồng, trong khi tiền cơm cả tháng đóng cho quản lý nhà ăn tập thể là 18 đồng. Cuốn sách đã ngốn già nửa số tiền sinh hoạt phí ít ỏi còn lại sau khi lĩnh học bổng 28 đồng/tháng của tôi).
Đã tìm ra giải pháp, tôi quyết định nhận lời cộng tác với Phòng Văn nghệ BCHQSTP và Phòng Văn hóa quận Hồng Bàng. Nghe tôi trình bày kế hoạch sẽ biên tập bản thuyết minh phim dựa trên lời thoại trong kịch bản sân khấu, các bên đối tác mừng quá, nhất trí và yêu cầu cho triển khai ngay.
Mất nhiều buổi ngồi xem phim, tua đi tua lại nhiều lần những đoạn chưa khớp, thậm chí phải cắt xén cả những đoạn thoại quá dài ở kịch bản sân khấu, không khớp với hành động và tình cảm trên phim. Cuối cùng bản thuyết minh sơ bộ đã được hoàn thành.
Những người làm phim Romeo và Juliet, chắc chắn đã cân nhắc, chọn lọc câu chữ trong nguyên tác một cách bài bản. Họ có lẽ không thể tưởng tượng được rằng, sau khi tiếp cận bộ phim, “con cháu của những người du kích Việt Nam” đã biên tập bản thuyết minh bộ phim một cách “không giống ai” như vậy.
Sau rất nhiều lần trình duyệt, cân nhắc, sửa chữa để hoàn chỉnh dưới sự theo sát và kiểm tra cụ thể của những người có trách nhiệm, một tuần sau đó, bản thuyết minh được nghiệm thu, quyết định chuẩn bị ghi âm.
Đây mới là công đoạn yêu thích nhất của tôi, một nghệ sỹ biểu diễn. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhưng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ tới lời thoại của đôi tình nhân bất hủ dưới ánh trăng. Đó là một trong những đoạn đọc thuyết minh xuất thần nhất của tôi, bởi vai kịch này tôi đã từng mơ ước được thể hiện khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Công việc hoàn tất. Bộ phim Romeo và Juliet được công chiếu rộng rãi ở các rạp, các điểm chiếu phim khắp Hải Phòng, gần như đã tạo ra một cơn sốt, thu hút đông đảo người xem.
Tôi cũng không hình dung nổi động lực nào đã khiến tôi mạnh dạn hoàn tất một công việc khó khăn, biên tập trót lọt thuyết minh một bộ phim nổi tiếng trong điều kiện như vậy. Công việc chỉ được tiến hành vào ban đêm, khi thành phố đã yên tĩnh để khi thu tiếng không bị dính tạp âm. Vả lại, đó cũng mới là thời gian tôi được nghỉ tập tành ở Đoàn kịch. Còn nhớ, có buổi làm việc đến hai-ba giờ sáng, BCHQS phải cử người đưa tôi về tận nhà cho an toàn.
Không phải vì tiền. Thù lao của công việc này tôi nhận được chẳng đáng là bao. Có lẽ đó chính là máu nghề nghiệp chảy trong huyết quản mỗi nghệ sỹ. Khi dốc số tiền học bổng ít ỏi còn lại để mua cuốn Tuyển tập kịch Sêchxpia, tôi cũng không hề nghĩ rằng hơn hai mươi năm sau, nó lại có thể hỗ trợ tôi hoàn thành một công việc tưởng như nằm ngoài năng lực của mình.