Giải phóng tiềm năng
Việt Nam không thiếu nghệ sĩ tài năng. Nhiều đạo diễn, diễn viên và nhà biên kịch Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực qua nhiều dự án phim chất lượng. Tuy nhiên nền điện ảnh Việt vẫn chưa thực sự cất cánh. Đây là điều ông Vi Kiến Thành tâm tư trong suốt 4 năm giữ cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh vừa qua; ông Vi Kiến Thành chỉ ra, nỗi lo kinh phí là vấn đề của nhiều nền điện ảnh trên thế giới, không riêng Việt Nam, có điều, câu chuyện điện ảnh thì khác, phải hội nhập, cởi mở hơn.
“Tôi hay nói với các thành viên Hội đồng Duyệt phim quốc gia, chỉ cần giữ hai nguyên tắc. Một là không đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hai là không được vi phạm chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Còn tất cả nội dung, vấn đề khác phải thông thoáng hơn, hội nhập quốc tế, tránh tụt hậu. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này vẫn vướng nhiều áp lực nặng nề chưa tháo gỡ được”, ông Vi Kiến Thành thẳng thắn.
Theo ông Vi Kiến Thành, bầu không khí sáng tạo điện ảnh cần thay đổi, đặc biệt là với khu vực phía Bắc. Lâu nay, thế mạnh của điện ảnh phía Bắc là phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyện, nhưng phim truyện đang rất yếu. Có ba nguyên nhân là thiếu nhà đầu tư, thiếu kịch bản hay, phù hợp xu hướng hiện đại và thiếu đạo diễn giỏi. Nhiều đạo diễn có tên tuổi, danh hiệu, nhưng làm phim theo tư duy của những năm 1990 về trước. Trong khi đó, lực lượng kế cận hầu như vắng bóng, nhiều người được đào tạo xong lại chuyển vào Nam, hòa vào nhịp sống điện ảnh phía Nam đang ngày càng cởi mở, sôi động.
Vấn đề hầu hết nhà làm phim quan tâm là cơ chế có nhiều ràng buộc khiến nhiều nghệ sĩ loay hoay, khó dành trọn vẹn tâm thế bay bổng với nghệ thuật. Đạo diễn, nhà sản xuất và nhà sáng lập 896 Group Võ Thanh Hòa chỉ ra thực tế hơn 20 năm qua, trung bình mỗi năm chỉ hơn 10 đạo diễn có thể làm phim, còn lại nhiều đạo diễn vất vả, chật vật để ra được tác phẩm, nhiều người mất hút luôn trên thị trường. Kể cả khi có tiền làm phim từ ngân sách, thì để cân đối giấy tờ, thủ tục thanh toán mất rất nhiều thời gian hơn là tập trung cho điện ảnh.
“Ngay như việc tìm bối cảnh quay phim, thiếu giấy tờ thì phải chờ đợi đến khi đầy đủ mới được vào quay. Trong khi, đơn cử ngay câu chuyện chúng tôi đi quay ở Thái Lan, thiếu một vài giấy tờ, chính quyền ở đó vẫn cho vào quay, thậm chí họ ưu tiên hỗ trợ hết mức, cho rằng tác phẩm điện ảnh quay ở đó là làm lợi cho địa phương, giúp quảng bá hình ảnh địa phương”, đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa dẫn chứng.
Chia sẻ với khó khăn của nhà làm điện ảnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng một khi đã coi điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần đội ngũ nhân lực, tài năng sáng tạo liên quan đến điện ảnh. Chúng ta cần nguồn lực và những điều kiện hỗ trợ tối ưu để thu hút các nhà làm phim trong nước, quốc tế, tránh tạo cản trở không cần thiết, không kích thích, khuyến khích được các nhà làm phim.
Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù
Cũng phải khẳng định rằng, vị thế của điện ảnh Việt Nam đang ngày càng được nâng cao. Những năm gần đây, một số bộ phim Việt Nam giành giải thưởng quan trọng ở các liên hoan phim quốc tế. Nhiều bộ phim có doanh thu lớn ở hệ thống rạp trong nước, có những phim được phát hành ở các thị trường khu vực, Australia, Hoa Kỳ… Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đó là sự khởi đầu, là đòn bẩy cần thiết đưa nền điện ảnh tiến nhanh, tiến xa hơn. Song để điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, phải làm nhiều điều hơn nữa, ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn như cách mà điện ảnh Thái Lan, Hàn Quốc… đã làm.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm. Trung bình mấy năm trở lại đây có khoảng 40 phim truyện điện ảnh được sản xuất mỗi năm (hầu hết được làm ở phía Nam). Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, một mặt ghi nhận sự phát triển, mặt khác chúng ta cần nhìn nhận con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
“Chưa kể, bàn về chất lượng tác phẩm, có phim doanh thu 500 - 600 tỷ đồng nhưng nhiều người vẫn nói đấy chỉ là phim có doanh thu cao, nhiều người xem. Dường như chúng ta vẫn thiếu cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các nhà làm phim. Nói cách khác, nếu khuyến khích được các nhà làm phim, càng nhiều phim, càng nhiều cách kể, đa dạng hình thức… càng có điều kiện cho khán giả lựa chọn, càng khuyến khích nền điện ảnh phát triển”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng chỉ ra thêm điểm nghẽn về cơ chế thời gian qua là vấn đề phát hành phim Nhà nước đặt hàng. Với các sản phẩm này, Cục Điện ảnh chỉ được cấp 100 triệu đồng tổ chức buổi công chiếu, ra mắt báo chí, không có kinh phí tuyên truyền, quảng bá thêm. Trong bối cảnh hiện nay, thực trạng này cần thay đổi. “Nếu chỉ đầu tư ở khâu sản xuất, nghiệm thu xong chiếu vài buổi rồi cất kho thì chỉ là giai đoạn đầu. Giai đoạn sau, các rạp chiếu thuộc quản lý của tư nhân, chỉ một vài rạp thuộc quản lý của Nhà nước nên đường đến rạp của phim do Nhà nước đặt hàng sẽ khó hơn, vì không có cơ chế ăn chia theo tỷ lệ. Đó chính là điểm nghẽn cơ chế cần giải quyết, tránh lãng phí”.
“Khó khăn trước mắt đối với các nhà làm phim là chính sách thuế”. Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan phân tích, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với sản xuất phim tại Việt Nam đang ở mức 5%, sắp tới sẽ gấp đôi, tức là 10%. Điều này là bất hợp lý đối với ngành điện ảnh, vốn đặc thù và đầy rủi ro. “Trong khi hiện nay cũng không có bất kỳ chính sách nào để các nhà làm phim tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chúng tôi vẫn đang gánh lãi suất từ 10 - 12%/năm khi vay ngân hàng để làm phim như các ngành nghề kinh doanh khác”.
Nhiều ý kiến cho rằng, điện ảnh là lĩnh vực văn hóa đặc thù, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Trước nhiều thách thức đặt ra, bên cạnh nỗ lực của nghệ sĩ, cần tháo gỡ khó khăn, có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của ngành, từ đó giúp điện ảnh Việt Nam khẳng định vị thế và tạo dấu ấn trên bản đồ điện ảnh thế giới.