Nằm trong khuôn khổ dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học đã tiến hành đánh giá năng lực của 18 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong vùng dự án, tập trung vào chức năng và cấu trúc nhân sự của ban quản lý.
Kết quả cho thấy, hầu hết nhân viên có chuyên môn trong các lĩnh vực truyền thống như lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng, kế toán và tài chính. Tuy nhiên, các kỹ năng và kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là quản lý động vật hoang dã và giám sát đa dạng sinh học, phát triển và quản lý du lịch sinh thái, tài chính bền vững, kỹ năng lập kế hoạch và làm việc với các nhà đầu tư vẫn còn hạn chế.
Những phát hiện trên được củng cố bởi kết quả của một nghiên cứu khác gần đây cũng do dự án VFBC thực hiện. Thông qua đánh giá 19 kế hoạch quản lý rừng bền vững của các ban quản lý rừng, nghiên cứu đã chỉ ra những thiếu hụt đáng kể về đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các ban quản lý rừng.
Đánh giá thể chế đã xác định hơn 70 khóa đào tạo được thiết kế tùy chỉnh, nhằm giúp nhân viên các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cải thiện kiến thức và kỹ năng cần thiết. Một số khóa đào tạo ưu tiên sẽ được triển khai trong thời gian còn lại của dự án VFBC. Nội dung các khóa đào tạo nhằm xây dựng năng lực cho các khu bảo tồn của Việt Nam như một phần của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng Ban quản lý dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu không trang bị kiến thức chuyên môn cần thiết cho các ban quản lý rừng thì những thách thức do áp lực và mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với đa dạng sinh học không thể được giải quyết hiệu quả.
"Thông qua các khóa đào tạo, chúng tôi đặt mục tiêu trang bị những công cụ và kiến thức cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực bảo tồn của Việt Nam”, ông Hưng nói.
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, cho rằng những nhà quản lý khu bảo tồn ở Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức hơn bao giờ hết trong công việc hàng ngày để bảo tồn rừng và đa dạng sinh học.
"Mặc dù áp lực và mối đe dọa ngày càng tăng nhưng năng lực của ban quản lý vẫn chưa theo kịp. Công nghệ và thiết bị có thể hỗ trợ phần nào nhưng các kỹ năng mới và kiến thức cũng rất cần thiết để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng và đa dạng sinh học", ông Nick Cox nhấn mạnh.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (BCA) được thực hiện từ tháng 7.2020 – 6.2025 nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.
Mục tiêu của dự án hướng đến 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học gồm 4 tiểu hợp phần: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.