Đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng
Bà Phạm Thị Thúy Oanh - Giám đốc NHCSXH huyện Bình Giang, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học tài chính - Kế toán Hà Nội (năm 2003) đã tình nguyện về quê hương "đầu quân vào mặt trận" xóa đói giảm nghèo, nay đã có trọn vẹn hơn 2 thập niên trực tiếp tham gia tác nghiệp, điều hành ở tổ chức tín dụng đặc thù này.
Bà Thúy Oanh chia sẻ, với định hướng hoạt động từ khi thành lập (2003) đến nay là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị luôn bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương; cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó khăn, thử thách của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách, nên NHCSXH đã triển khai hiệu quả các giải pháp; huy động được nguồn vốn lớn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và khơi thông được dòng chảy vốn ưu đãi, góp phần thiết thực giúp dân giảm nghèo, nâng cao cuộc sống.
Hiệu quả của sự nỗ lực đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ của NHCSXH huyện Bình Giang năm sau cao hơn năm trước. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 30.6.2024 đạt xấp xỉ 430 tỷ đồng, tăng 42,3 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Kết quả trên khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH Bình Giang trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp; huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo.
Kết quả trên cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về 1 đầu mối là NHCSXH để sử dụng, quản lý theo quy định; đồng thời, cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn.
Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, trong đó có 37 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương tỉnh, huyện chuyển sang, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Bình Giang hối hả chuyển về đúng địa chỉ, đối tượng thụ hưởng thông qua 16 Điểm giao dịch xã với 234 Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn xóm, cụm dân cư, giúp người dân có vốn chủ động xuống đồng, lên vườn vào vụ sản xuất, tạo nguồn thu.
Đánh thức khát vọng, ý chí thoát nghèo của người dân
Song hành với công tác huy động nguồn lực, chuyển tải nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng; NHCSXH huyện Bình Giang đã xây dựng, thực hiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với thực tế địa phương. Đó là việc cùng các tổ chức hội đoàn thể, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên ký kết lại Hợp đồng ủy thác vay vốn chính sách, tạo thành dây chuyền 4 nhà "Ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ Tiết kiệm và vay vốn" chung tay góp sức giúp dân vay và sử dụng vốn chính sách đầu tư hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, mở mang ngành nghề truyền thống,
Dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã và đang được khơi thông, chảy đều đặn phủ kín khắp làng trên, xóm dưới, đến đúng từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách tại miền quê giữa châu thổ sông Hồng. Chính dòng vốn này góp phần quan trọng giảm số hộ nghèo toàn huyện Bình Giang xuống còn 578/40,024 hộ, tương đương tỷ lệ 1,47% (giảm 7,53% so với 10 năm trước).
"Tiếng lành" về hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách ở Bình Giang cũng "vang xa, lan tỏa". Đơn cử như xã Bình Giang, nhờ hàng chục tỷ đồng vốn chính sách từ NHCSXH huyện Bình Giang, các hộ dân đã chủ động đầu tư nhà màng phủ, nhà lưới che, thâm canh nghề trồng rau củ quả sạch theo công nghệ cao, đạt mức bình quân đầu người trong năm 2023 là 52 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2021; dự định hết năm nay sẽ đạt 54 - 56 triệu đồng.
Cũng như nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở huyện Bình Giang, gia đình ông Nguyễn Khắc Hoàn, xã Vĩnh Hồng đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Chương trình Giải quyết việc làm để đầu tư trồng các loại nấm đế, tú cầu, sò nâu và nuôi cá nước ngọt. Thu nhập mỗi năm đến 200 triệu đồng, giúp ông mua sắm thêm máy bơm nước, máy sấy nông sản, phục vụ phát triển sản xuất.
Hiệu quả về dòng vốn tín dụng chính sách ở huyện Bình Giang đã rõ ràng; không những giúp người dân thực hiện khát vọng giảm nghèo bền vững, có ăn đủ no, có mặc đủ ấm, mà còn tạo đà thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn khởi sắc; đưa Bình Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới và trở thành cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Hải Dương.
Theo đánh giá của đại diện Huyện ủy, UBND huyện Bình Giang, nguyên nhân làm nên sự đổi thay lớn lao này có nhiều, nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là việc cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực; trong đó chú trọng hàng đầu đến tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt đã triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây chính là động lực đánh thức khát vọng, ý chí thoát nghèo, làm giàu của người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Bình Giang tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng các nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng thụ hưởng, góp phần đầu tư đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên quê hương Bình Giang.