Từng là loại hình nghệ thuật phổ biến trong xã hội Việt ngày xưa, cho đến đứng trước nguy cơ bị mai một, rồi được hồi sinh một cách mạnh mẽ, nghệ thuật ca trù đã trở thành một di sản mang ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống tư liệu của ca trù là một thực trạng tồn đọng, khiến những người yêu mến muốn tìm hiểu, học hỏi không biết đâu là đúng - sai, hay - dở. Trong giới những nghệ nhân cao tuổi cuối cùng của loại hình này, vẫn thấy lan truyền câu chuyện than phiền, rằng đào kép trẻ theo ca trù hiện nay phần lớn “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”.
Nếu điều này đúng thì hiện trạng của ca trù thế hệ tiếp nối quả là đáng báo động. Có nghĩa, giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát sai so với chuẩn mực của ca trù trong cổ truyền. Vậy thế nào là chuẩn mực cổ điển của ca trù? Liệu có cách nào giải quyết vấn đề này?
Nếu trước đây từng có nhiều tài liệu và cuốn sách viết về ả đào (hay ca trù) dưới góc nhìn lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, thì trong "Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật", nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền chọn một cách tiếp cận khác. Đó là đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Qua 7 phần nội dung được trình bày một cách lớp lang và có hệ thống, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát ca trù, và hiểu được lý do loại hình âm nhạc này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Không chỉ vậy, đây còn là câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống Việt Nam trong 9 năm ròng rã của tác giả Bùi Trọng Hiền, và câu chuyện ghi nhận tài năng, công lao của những phụ nữ làm nghệ thuật trong lịch sử văn hóa dân tộc...