Bình quân giảm tỷ lệ tảo hôn từ 60% trở lên
Mèo Vạc là huyện nghèo vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện hiện có 9.035 hộ nghèo, chiếm 51,29%; 1.296 hộ cận nghèo, chiếm 7,6%. Từ cuối năm 2020 đến nay, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện; phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn về việc tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Dân tộc thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra công tác phòng chống và xử lý các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của cấp ủy, chính quyền đối với UBND 18 xã, thị trấn trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, huyện Mèo Vạc cũng tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Nhờ đó, đã và đang góp phần giúp thay đổi đời sống của bộ phần đồng bào DTTS. Đặc biệt, tại một số xã được chọn làm mô hình điểm trên địa bàn huyện như: Xã Lũng Pù và xã Sủng Trà. Huyện cũng chú trọng triển khai các câu lạc bộ “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mô hình “5 có, 5 không” và tăng cường tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến đông đảo người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.
Thông qua các hoạt động như tuyên truyền, nâng cao năng lực, sinh hoạt câu lạc bộ và hoạt động bổ sung quy định của Luật hôn nhân và gia đình vào Quy ước, Hương ước thôn bản và hoạt động ký cam kết giữa các bên (hộ dân - thôn bản - chính quyền; học sinh - gia đình - nhà trường), Mèo Vạc đã không để xảy ra tình trạng vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bình quân các xã giảm tỷ lệ tảo hôn từ 60% trở lên.
Tiếp tục xây dựng các mô hình phòng chống tảo hôn
Mèo Vạc là một huyện vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, địa bàn rộng lớn, dân cư sống phân tán, chủ yếu là người đồng bào DTTS chiếm 95,34% gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống; dân cư sống bằng nghề nông nghiệp là chính (chủ yếu làm nương), sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, phong tục tập quán của mỗi dân tộc cũng khác nhau và còn tồn tại phong tục lạc hậu, dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh và cả nước đã làm ảnh hưởng đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng như việc kết hôn trước tuổi quy định...
Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện xảy ra 271 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn. Trong đó, xã Lũng Pù xảy ra 11 cặp/17 gia đình có dấu hiệu tảo hôn và tổ chức tảo hôn; xã Cán Chu Phìn xảy ra 17 trường hợp, xã Sủng Trà 15 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn. Ngay sau khi phát hiện các trường hợp trên, chính quyền các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động, đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính để ngăn chặn kịp thời.
Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động ngay từ gia đình, dòng tộc và thôn, bản. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình, chú trọng việc thực thi pháp luật của các cấp chính quyền và cơ quan pháp luật, đặc biệt là cấp xã; khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…
Tại buổi làm việc với UBND huyện về kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 498 ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” trên địa bàn tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hùng Thị Giang đề nghị, cấp ủy, chính quyền huyện nói chung, 3 xã Lũng Pù, Cán Chu Phìn, Sủng Trà nói riêng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm triển khai các mô hình về phòng chống tảo hôn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ; cấp ủy chính quyền, chú trọng quan tâm đến số liệu các trường hợp trẻ em gái dưới 18 tuổi sinh con. Đặc biệt, quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Tiểu dự án 2 - Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.