Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ: Quốc hội Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của IPU
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra trong không khí trang trọng, trọng thị, thể hiện tinh thần mến khách của đất nước, con người Việt Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã thể hiện rất rõ thông điệp: Việt Nam, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động chung của thế giới, trong đó có hoạt động của Liên minh nghị viện thế giới (IPU). Đồng thời, đánh giá cao vai trò của diễn đàn nghị sĩ trẻ, thể hiện cam kết của các nghị sĩ trẻ toàn cầu luôn sát cánh cùng IPU trong thực hiện các cam kết chung, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tại phiên khai mạc, trong phát biểu chào mừng gửi đến Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, là tuổi “dời non lấp biển”. Nhận thức được vai trò của giới trẻ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo, tạo điều kiện, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ tại nghị viện và các diễn đàn nghị viện, hỗ trợ các nghị sĩ trẻ phát huy tối đa vai trò của mình. Điều này cũng rất phù hợp với tôn chỉ, mục đích của IPU, đó là: Nâng cao hơn nữa sự tham gia của giới trẻ toàn cầu vào hoạt động chính trị. Thông qua hoạt động lần này, các nghị sĩ trẻ Việt Nam đã đóng góp rất sôi nổi, tích cực, có trách nhiệm vào từng phiên thảo luận của Hội nghị.
Cũng tại Hội nghị, các bài phát biểu của Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cũng thể hiện rất rõ cam kết, mong muốn chung: Thúc đẩy vai trò của giới trẻ, thế hệ trẻ là những người nắm giữ, hưởng thụ, sáng tạo ra khoa học công nghệ. Đây cũng là lực lượng tiên phong và có trách nhiệm trong việc tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, qua đó đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện SDGs đến năm 2030, nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số SDGs có khả năng khó đạt được mục tiêu, thậm chí bị chậm trễ, trì hoãn vì nhiều lý do. Việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về các SDGs (18 - 19.9.2023) thể hiện rõ hành động của các nghị viện trên thế giới trong phát huy vai trò của nghị sĩ nói chung, trong đó có các nghị sĩ trẻ trong thực hiện các SDGs của IPU và Liên Hợp Quốc.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn): Hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này là cơ hội quý để các nghị sĩ trẻ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lập pháp trong quá trình chuyển đổi số, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị phản ánh tiếng nói, quyết tâm của các nghị sĩ trẻ toàn cầu chung tay thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Các phiên thảo luận tại Hội nghị đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu với sự tham gia thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của các đại biểu trẻ đến từ nhiều nghị viện trên thế giới. Thông qua phiên thảo luận chuyên đề 1 về chuyển đổi số, các nghị sĩ trẻ đã nghe một số diễn giả chia sẻ về cách thức, tiến trình chuyển đổi số của các quốc gia với nhiều cách làm hay, sáng tạo; trao đổi về khuôn khổ pháp lý liên quan đến chuyển đổi số, từ đó, có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức hay, giúp các đại biểu trẻ như chúng tôi tự tin hơn khi tham gia vào việc hoàn thiện các khuổn khổ pháp lý về chuyển đổi số ở Việt Nam.
Qua theo dõi các phiên thảo luận tại Hội nghị, có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, dẫn đến khả năng tiếp cận công nghệ số ở các vùng, miền và giữa các nước cũng khác nhau. Việt Nam một mặt đang đứng trước thách thức về "khoảng cách số" giữa đồng bằng với miền núi, nông thôn và thành thị; mặt khác cũng đang có cơ hội rất lớn được tiếp cận với những tiến bộ của công cuộc chuyển đổi số trên thế giới. Nếu thúc đẩy được vai trò của giới trẻ trong thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đúng như chủ đề của Hội nghị, chúng ta sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Ngày nay xu hướng của chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, rất nhanh với sự cạnh tranh khắc nghiệt, đòi hỏi công tác lập pháp cũng phải theo kịp tiến trình này. Do vậy, quốc gia nào tiếp cận với chuyển đổi số nhanh hơn, đưa ra thể chế, chính sách thỏa đáng, khích lệ, thúc đẩy được công cuộc này, thì rõ ràng quốc gia đó có cơ hội thành công cao hơn. Hội nghị đã đưa ra được những khuyến nghị cụ thể dưới góc nhìn của giới trẻ và mở rộng hơn cách tiếp cận của giới trẻ với các vấn đề cùng quan tâm. Điều này cũng cho thấy vai trò của giới trẻ nói chung và nghị sĩ trẻ nói riêng ngày càng được nêu cao, nhằm phát huy tôi đa tư duy đổi mới, sáng tạo của chính những người trẻ.
Một kết quả rất nổi bật, đó là qua 8 kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, thì Hội nghị lần này là lần đầu tiên các nghị sĩ trẻ toàn cầu ra Tuyên bố Hội nghị, thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với nội dung các phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị, là tiếng nói chung của các nghị sĩ trẻ toàn cầu đối với những vấn đề chung, được các nước cùng quan tâm; từ đó, thống nhất trong hành động. Đây cũng là bước rất quan trọng để tiếp tục hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng IPU - 132 năm 2015 thông qua tại Hà Nội.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): Thành công của Hội góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu và là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của nước ta trong năm 2023. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị góp phần khẳng định sự tham gia tích cực và có trách nhiệm, chủ động của Quốc hội Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy sự chú trọng và quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ.
Với chủ đề và nội dung thiết thực, thời sự được trao đổi tại Hội nghị, đây còn là kênh ngoại giao nghị viện đa phương được đánh giá là có nhiều đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các nghị viện, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của các nghị sĩ trẻ đối với vấn đề chung, vì hòa bình, hợp tác và phát triển nói chung của thế giới, của giới trẻ nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới của đất nước.
Chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” mà chúng ta đưa ra cũng là một trong những thế mạnh của Việt Nam - một trong những quốc gia luôn quan tâm và ban hành các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia và có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tiến tới thực hiện kinh tế số, xã hội số của cả nước.
Hội nghị cũng là cơ hội để nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị văn hóa.
Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng Hội nghị đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm đối với các đại biểu, nghị sĩ trẻ và bạn bè quốc tế. Thành công của Hội nghị không chỉ là thành quả riêng của Quốc hội, của giới trẻ và nghị sĩ trẻ Việt Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế qua góc nhìn của những người trẻ.