Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, hội thảo là một trong những hoạt động trong quá trình triển khai nghiên cứu Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đề tài là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là một hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, góp phần tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước về lịch sử hình thành, phát triển và những thành tựu đạt được của Quốc hội Việt Nam trong chặng đường 80 năm qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết toàn diện những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tiếp tục đúc rút, phân tích sâu sắc hơn những bài học cốt lõi, xuyên suốt quá trình 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển; đề ra định hướng và những giải pháp cho Quốc hội Khóa XVI và các khóa tiếp theo. Việc triển khai nghiên cứu đề tài là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các thành viên Ban chủ nhiệm Đề tài.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về những đổi mới và phát triển trong hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội qua 15 nhiệm kỳ; làm rõ những hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm đặt ra; làm rõ yêu cầu và những giải pháp tiếp tục đổi mới về hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Qua các nhiệm kỳ, quy trình, thủ tục xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước luôn được đổi mới, hoàn thiện hơn và góp phần quan trọng vào việc ban hành các nghị quyết về các vấn đề quan trọng của đất nước có chất lượng, tính khả thi cao, phúc đáp với yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cơ quan có thẩm quyền đã cải tiến, đổi mới cách thức thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” tạo nên không khí sôi động tại các phiên họp của Quốc hội.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngay từ giai đoạn đề nghị xây dựng, soạn thảo nghị quyết; chú trọng việc tổng kết, khảo sát thực tiễn và nghiên cứu, phân tích đánh giá tính khoa học, tính thực tiễn của vấn đề để làm cơ sở cho việc xây dựng dự thảo; đồng thời lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia về dự thảo quyết định/nghị quyết về vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đổi mới quy trình thẩm tra, tăng cường tính phản biện; nâng cao chất lượng việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về vấn đề quan trọng của đất nước; huy động trí tuệ tập thể của cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án, dự thảo và các cơ quan khác, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào quá trình chỉnh lý hoàn thiện các dự thảo nghị quyết.