
Theo Viện Khoa học Tài chính, Bộ Tài chính hệ số ICOR bình quân cả nước là 7 - 8, còn khu vực Nhà nước là 12. ICOR được tính bằng tỷ lệ giữa số đơn vị đầu tư/số đơn vị tăng trưởng, hay nói cách khác là mất bao nhiêu đơn vị đầu tư để tạo ra một đơn vị tăng trưởng. So với ICOR bình quân ở các nước trong khu vực (chỉ từ 3 – 4), có thể khẳng định rằng, đầu tư của nước ta chưa thực sự hiệu quả. Điểm cần lưu ý là khi đầu tư của một quốc gia tăng trưởng mạnh thì sẽ chi tiêu nhiều tiền vào lưu thông. Tuy nhiên khi đầu tư không hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả kinh tế của các dự án thấp cũng đồng nghĩa với việc sinh lợi thấp, giá trị của đồng tiền giảm, hay mất giá trị. Theo Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính Quách Đức Pháp, lạm phát do chi đầu tư không hiệu quả sẽ không xảy ra ngay lập tức, mà diễn ra từ từ, khi đủ lượng sẽ bùng phát.
Ts Nguyễn Minh Phong- chuyên gia về lạm phát phân tích, tiến đến mô hình nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, mô hình nhà nước – nhà đầu tư sẽ thay bằng mô hình nhà nước - nhà quản lý. Tức là Nhà nước làm chức năng thiết lập giám sát và điều phối các hoạt động kinh tế vĩ mô. Từ thực tế nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều lĩnh vực nhà nước đầu tư không có hiệu quả bằng các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ mà không hạn chế những nguồn đầu tư từ ngân sách vào những dự án không hiệu quả thì rõ ràng lượng vốn đầu tư từ ngân sách sẽ rất lớn. Chỉ cần hạn chế một vài % đầu tư từ ngân sách cũng đã giảm một lượng lớn cung tiền ra nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Nhiều nước trên thế giới đều cố gắng không để bội chi quá 5% GDP. 5% GDP là con số cho phép các nước được bù chi nên cần cân nhắc lúc nào dùng đến 5%, lúc nào dùng ít hơn. 5% cũng là một con số tương đối, nhưng mỗi năm GDP tăng lên thì số tuyệt đối của 5% cũng tăng lên. Do vậy trong điều kiện chỉ số ICOR thì việc tính toán chi đầu tư cần thận trọng. Có thể giãn tiến độ hoặc dừng lại những dự án không hiệu quả vừa góp phần giảm chỉ số ICOR, vừa góp phần giảm bội chi ngân sách.
Đối với một nước đang phát triển cần nhiều vốn như nước ta thì nguồn vốn rẻ vay ưu đãi từ nước ngoài với lãi suất thấp là rất cần thiết để bảo đảm nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Một trong những nguồn vốn rẻ nước ta đang sử dụng nhiều là vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Đi vay thì phải trả, dù là ưu đãi nhiều năm và lãi suất thấp. Do đó nếu đầu tư không hiệu quả thì vẫn không trả nợ được. Đầu tư kém hiệu quả, ICOR cao, nên gặp thêm tác động bên ngoài như bất ổn kinh tế thế giới, giá đầu vào sản xuất kinh doanh tăng... rất dễ dẫn đến lạm phát. Giá thế giới tăng như vừa qua thì cũng là yếu tố tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế vốn dễ bị tổn thương như nước ta.
Những phân tích này cho thấy, việc tiếp cận vấn đề lạm phát từ hệ số ICOR là hướng đi cần thiết. Ông Cao Sỹ Kiêm- thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính và tiền tệ của Chính phủ cho rằng, nếu cải thiện được hệ số ICOR thì hiệu quả chống lạm phát không phải trước mắt mà là lâu dài. Khi nền kinh tế phát triển có một số nhân tốt rất quan trọng: Một là đầu tư cao và có hiệu quả, hai là có xuất khẩu lớn. Khi chống lạm phát thì phải rà soát lại các công trình, dự án; Cơ cấu, mức độ đầu tư. Những dự án kéo dài, giải phóng mặt bằng, đền bù chậm, hay thủ tục hành chính rườm rà phải được giải quyết nhanh. Hoặc những dự án kéo dài, hiệu quả ít thì giãn tiến độ đầu tư, hoặc hoãn lại, thậm chí có thể phải đình chỉ. Đây là cách hạ thấp chỉ số ICO, nâng cao hiệu quả đầu tư cao, tạo nhiều hàng hóa, cân đối cung cầu, và chống lạm phát tốt.
DƯƠNG XÁ