Nêu thực tế vẫn còn có suy nghĩ bình đẳng giới là giải phóng phụ nữ và ưu tiên cho phụ nữ, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị, cần phải thay đổi điều này. Các phong trào bình đẳng giới nếu vẫn tiếp cận theo hướng như hiện nay thì sẽ không thể tiến tới bình đẳng thực chất. Cần có đánh giá khách quan, nhìn nhận thêm về các mục tiêu bình đẳng giới từ góc độ xã hội học; thúc đẩy giáo dục về bình đẳng giới để các em nhỏ có thể hiểu và tiếp cận đúng vấn đề bình đẳng giới.
"Chúng ta nên quan niệm bình đẳng giới không phải cho mỗi nữ giới". Nêu vấn đề này, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, bình đẳng giới phải ở cả nam lẫn nữ và khi làm chính sách liên quan tới bình đẳng giới thì cần xem xét thực trạng trong lĩnh vực đó ra sao.
Đơn cử, khi nghiên cứu, khảo sát về tình hình phòng, chống mua bán người thì thực tế diễn ra không chỉ có mua bán phụ nữ và trẻ em gái mà với nam giới cũng có. Đặc biệt, các vụ lừa đảo nạn nhân là nam giới đi sang các cơ sở làm việc tại nước ngoài hay các vụ mua bán lao động cưỡng bức trên tàu cá ở các vùng biển, ven biển cũng như trong các hầm mỏ, nhà máy gạch ngày một tăng.
"Rõ ràng khi làm về chính sách phòng, chống buôn bán người thì càng phải quan tâm tới nam giới chứ không phải lúc nào cũng tập trung tới nữ giới", đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay còn nhiều chính sách trung tính. Chúng ta quan niệm, với những chính sách mang tính chất trung tính như thế thì sẽ bao gồm cả đối tượng nam và nữ. Tuy nhiên, khi áp dụng vào tình huống cụ thể, con người cụ thể thì lại gây bất bình đẳng giới. Do đó, cần quan tâm hơn đến yếu tố giới trong xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, xây dựng chính sách, pháp luật về giới không phải mỗi vấn đề trọng nam khinh nữ. Do đó, cần có cách tiếp cận đúng đắn nhằm phát huy được điểm mạnh gắn với giới tính chứ không cào bằng.
Công tác bình đẳng giới của Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt được tiến bộ nhất định. Tuy vậy, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) lưu ý, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 112/100 trẻ em trai và trẻ em gái vào năm 2023.
"Con số này không chỉ phản ánh nhân khẩu học hay xã hội sau này mà còn phản ứng ngược về vấn đề bình đẳng giới của chúng ta có thực chất hay chưa. Bởi tỷ lệ này chứng tỏ người dân còn trọng nam khinh nữ và bằng mọi cách để sinh nhiều con trai. Trong một chừng mực nào đấy cần phân tích sâu về những chỉ số mà chúng ta đạt được", đại biểu Lê Văn Khảm nói.
Đại biểu cũng cho rằng, nam giới cũng có đặc thù nhất định về tâm, sinh lý và xã hội nên cũng cần được quan tâm. Cùng lúc, nam giới chịu những áp lực hay gánh nặng vì bệnh tật thì phụ nữ cũng phải chịu áp lực theo bởi các thống kê chỉ ra rằng vợ, con gái sẽ chăm sóc chồng hay cha của mình. Vì lẽ đó, quan tâm tới sức khỏe nam giới cũng gián tiếp hỗ trợ cho cả phụ nữ.