Tham dự có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Theo chương trình lập pháp của Quốc hội, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024). Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức cuộc họp này để nghe Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về một số nội dung lớn của dự án Luật, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát 5 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dự thảo Luật gồm 9 chương và 135 Điều. So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo Luật có một số nội dung thay đổi lớn như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm đối với dự án Luật như: độ bao phủ của chính sách vẫn rất thấp; tỷ lệ lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong độ tuổi lao động gia tăng trong các năm gần đây; vấn đề tăng tuổi lao động dẫn đến tăng tuổi nghỉ hưu tương ứng đang đặt ra áp lực lớn cho bộ phận lao động trực tiếp, lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; áp lực với ngân sách nhà nước ở tầng hưu trí xã hội ngày càng lớn do tốc độ già hóa dân số của nước ta rất nhanh trong khi tỷ lệ bao phủ của tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện tăng chậm. Một số ý kiến cũng lưu ý, cần làm rõ vấn đề tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật cũng như hoàn thiện các chế tài xử phạt, thanh tra, kiểm tra.
Kết luận cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc của các đại biểu; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của pháp luật, đạt chất lượng cao khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8 tới đây.