Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, theo chương trình, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024).
Là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật, thời gian tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tổ chức khảo sát tại một số đơn vị, địa phương để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn trước khi thẩm tra sơ bộ dự án Luật này.
Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại phiên họp, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Trung tướng Hồ Quang Tuấn cho biết, công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo, chỉ đạo sát sao, được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, như: các Nghị quyết Đại hội Đảng XI, XII, XIII; các Nghị quyết chuyên đề về quốc phòng, về công nghiệp quốc phòng…
Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp. Đồng thời, triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân bằng nhiều hình thức… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, tích cực tham gia công tác động viên công nghiệp.
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng hoạt động, thu hút lao động chất lượng cao, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, gắn bó với đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về lĩnh vực này cho thấy, quy định của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và Pháp lệnh Động viên công nghiệp chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm mới của Đảng về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp. Một số nội dung không còn phù hợp với các quy định của các luật hiện hành, cần được bổ sung, hoàn thiện. Các cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng chưa đầy đủ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện…
Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, đổi mới, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng và triển khai nhiệm vụ động viên công nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng các cơ chế phù hợp để huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng; cơ chế huy động thành tựu khoa học công nghệ, sản phẩm tốt nhất của đất nước để áp dụng cho phát triển công nghiệp quốc phòng…
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã nghe đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp của các bộ, ngành.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ, toàn diện phục vụ quá trình khảo sát và thẩm tra sơ bộ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, với quan điểm các quy định của dự luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.