Tại phiên họp, Thường trực hai Ủy ban của Quốc hội và đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia... đã thảo luận về một số nội dung có quy định khác biệt giữa 3 dự án Luật; đưa ra nhiều gợi ý thiết thực về hướng xử lý những nội dung còn “vênh” nhau, góp phần bảo đảm sự thống nhất giữa các dự án Luật trước khi tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với những quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khác so với quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ chuyển một số nội dung quy định thống nhất tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, một số nội dung sẽ giữ lại quy định ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và có điều chỉnh quy định liên quan tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm đúng tinh thần của pháp luật về đất đai.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận tích cực, kỹ lưỡng và thấu đáo về rà soát tính đồng bộ, thống nhất của 3 dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế đã thống nhất một bước hướng xử lý một số quy định chưa thống nhất giữa 3 dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đối với một số nội dung chưa thống nhất hướng chỉnh lý sẽ được ghi nhận và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 (đợt 2). “Thường trực Ủy ban Pháp luật muốn tiếp cận mở với các vấn đề để thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng, thuyết phục lẫn nhau giữa các cơ quan hữu quan. Qua đó, sẽ đạt được sự đồng thuận giữa các cơ quan, bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của các dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp xác định hướng xử lý phù hợp trong mỗi dự thảo Luật, bảo đảm các Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây đều nhất quán. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mong muốn, Thường trực hai Ủy ban và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện tốt nhất các dự thảo Luật, giúp khi mỗi đạo luật được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra.