Trước khi đi sâu vào vấn đề lý luận, cần nhấn mạnh rằng vấn đề nợ công của Việt Nam - nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT - xuất phát từ việc chi thường xuyên quá cao. Vì vậy, việc giảm chi thường xuyên mới là mấu chốt của vấn đề nợ công.
Ở đây, xét trên góc độ lý luận, cần xem xét trên khía cạnh: Giả sử cùng với một lượng thu ngân sách từ thuế, việc thu thuế từ thuế thu nhập tốt hơn hay từ thuế tiêu thụ tốt hơn?
![]() |
5 nguyên tắc của một hệ thống thuế tốt
Về nguyên tắc, một hệ thống thuế tốt cần phải đáp ứng 5 yếu tố:
Công bằng: Bảo đảm rằng mọi người dân đều phải nộp thuế. Mức thuế một cá nhân phải nộp cần tương ứng với mức phúc lợi mà người dân được hưởng từ thuế.
Đơn giản: Dễ tính toán, dễ thu.
Ổn định: Hệ thống thuế cần ổn định để không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Không tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền: Không tạo ra nhiều trường hợp đặc thù để chính quyền xem xét, ban phát.
Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế: Xét một cách tương đối, hệ thống tốt phải là hệ thống ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng thấp hơn so với hệ thống khác.
So sánh giữa hai hệ thống thuế
Ai ủng hộ hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ? Đa số các nhà kinh tế ủng hộ thuế tiêu thụ. Thuế tiêu thụ được xem là trung lập hơn so với thuế thu nhập vì nó không làm thay đổi hành vi tiêu dùng và vì thế giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Những nhà kinh tế nổi tiếng ủng hộ thuế tiêu thụ gồm có: Thomas Hobbes: Nicolas Kaldor; Milton Friedman; Irving Fisher; Joseph Stingliz; Greg Mankiw… |
So sánh giữa hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập và hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ có thể thấy:
Về tính công bằng: Thoạt nhìn, hệ thống thuế dựa trên thu nhập tưởng chừng công bằng hơn so với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ. Bởi nó sẽ áp đặt mức thuế cao hơn cho người có thu nhập cao và thấp hơn cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính việc đặt ra các mức thuế khác nhau cho những đối tượng khác nhau lại tạo ra vấn đề cho khái niệm công bằng. Liệu một người có thu nhập 20 triệu đồng nhưng đang nuôi con nhỏ phải chịu mức thuế cao hơn so với người thu nhập 10 triệu đồng nhưng không nuôi con nhỏ? Đây là lý do dẫn đến các khoản giảm trừ thuế thu nhập. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đòi hỏi giảm trừ thuế thu nhập, gây ra tranh cãi trong xã hội về tính hợp lý, công bằng của các khoản đó.
Một vấn đề khác được đặt ra là, những người có thu nhập thấp không phải nộp thuế nhưng lại được hưởng rất nhiều trợ cấp, dịch vụ miễn phí của Nhà nước. Điều này khiến cho những người theo quan điểm bảo thủ cho rằng không công bằng vì những người giàu phải nộp thuế nuôi những người ăn bám. Trong khi đó, những người theo quan điểm xã hội lại cho rằng những người giàu được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống phúc lợi của Nhà nước (đường sá, an ninh...) nhưng lại nộp thuế ít.
Trên thực tế, giới trung lưu dường như phải chịu nộp thuế thu nhập nhiều hơn so với mức họ được hưởng. Người giàu có thể có nhiều cách để trốn thuế thu nhập (đặc biệt là khi hệ thống cồng kềnh phức tạp), nhưng được hưởng nhiều phúc lợi hơn. Người nghèo thì không phải nộp thuế, được sử dụng nhiều hệ thống phúc lợi miễn phí, thậm chí còn được trợ cấp. Trong khi đó, với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít. Thường với cùng một loại hàng hóa, người giàu tiêu thụ các loại hàng hóa cao cấp hơn nên trên thực tế với cùng mức thuế họ đóng thuế nhiều hơn người nghèo.
![]() | |
Nguồn: ITN |
Về tính đơn giản: Hệ thống thuế dựa trên thu nhập cực kỳ phức tạp và rối rắm. Để công bằng thì cần phải đặt ra nhiều mức thuế khác nhau, nhiều khoản giảm trừ khác nhau, dẫn đến hệ thống thuế cồng kềnh, phức tạp. Sự cồng kềnh, phức tạp dẫn đến hiện tượng trốn thuế - lại tạo ra sự mất công bằng. Trong khi đó, hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ lại cực kỳ đơn giản, đặc biệt nếu như đó là một hệ thống chỉ có một mức thuế tiêu thụ. Mọi người đều tiêu dùng và đều phải chịu thuế.
Về tính ổn định: Hệ thống thuế dựa trên thu nhập rất dễ bị thay đổi do quan điểm về “công bằng” thường xuyên thay đổi theo các nhóm lợi ích có quyền lực chi phối. Thu nhập cũng có xu hướng tăng, giảm thất thường do các chu kỳ kinh tế, dẫn đến các chính sách thay đổi mức thuế. Trong khi đó, hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ sẽ ổn định hơn vì mức thuế ít chịu tác động của các nhóm lợi ích; mức thu sẽ tự động tăng khi nền kinh tế bùng nổ và tự động giảm khi nền kinh tế thu hẹp. Nhà nước vì vậy sẽ có thể tiên liệu được khả năng thu để lên kế hoạch chi hợp lý.
Về khả năng tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền: Điều này là khá rõ ràng, hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập tạo ra ban phát cho chính quyền. Việc quyết định các mức thuế thu nhập khác nhau, giảm trừ thuế... đều tạo ra quyền lực cho bộ máy hành chính. Với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, chính quyền sẽ mất đi đặc quyền đó. Hơn nữa, với việc tất cả người dân phải nộp thuế, nó sẽ tạo ra sức ép lớn hơn đối với chính quyền trong việc chi thuế sao cho công bằng.
Tác động tới tăng trưởng kinh tế: Hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập thực chất là hệ thống thuế đánh vào tiết kiệm. Nó khiến cho giảm đầu tư và giảm tăng trưởng kinh tế về dài hạn. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ lại khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, do vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho nền kinh tế. Làm tăng thu nhập của người dân và dẫn đến tăng chi tiêu trong tương lai.