Tham gia Hội nghị có đại diện các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT); Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam; đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh thành vùng ĐBSCL và đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên cả nước cùng tham dự.
Thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh tránh gây thiệt hại năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt là hỗ trợ các chủ trương của ngành bảo vệ thực vật phát triển theo hướng bền vững, xanh và chất lượng cao.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tăng cường hợp tác thúc đẩy triển khai khung pháp lý về sử dụng và quản lý các giải pháp BVTV bền vững, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp cũng như phát triển các dịch vụ BVTV là điều cần thiết. Qua đó, cụ thể hóa các chủ chương, chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt vào ngày 18.12.2023.
Diễn đàn đã tạo ra không gian để cơ quan quản lý phổ biến, khuyến cáo rộng rãi các quy định pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời, là cơ hội để hiệp hội, doanh nghiệp, HTX chia sẻ khó khăn, vướng mắc, cùng bàn giải pháp chung tay thúc đẩy phát triển bền vững ngành thuốc BVTV.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Cục ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường. Đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại. Trên cơ sở, Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia ký kết với các doanh nghiệp thuốc BVTV, ưu tiên cấp Giấy phép khảo nghiệm cho 28 loại thuốc BVTV sinh học với 66 sinh vật gây hại (tăng 1,27 lần so với năm 2022).
Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đề ra những mục tiêu cụ thể và ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng,... Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực.
Thời gian qua, tại TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng,... đã xây dựng 108 bể chưa bao, gói thuốc BVTT. Tổ chức thu gom hơn 800 nghìn bao, gói, vỏ chai thuốc BVTT (tương đương 50 tấn), tổ chức tiêu hủy đúng quy định.
Tại diễn đàn, nhiều diễn giả cho rằng, việc thu gôm các bao, vỏ chai thuốc BVTV cũng là một công tác quan trọng, cần có sự quyết tâm của người nông dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương để phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Liên quan đến công tác quản lý thuốc BVTV, trong 30 năm qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương ban hành 35 văn bản, trong đó có một Luật, 7 Nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 25 thông tư liên tịch. Các chuyên gia nhận định, với hệ thống văn bản pháp luật này, cơ bản đầy đủ, thể chế hóa được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVTV, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV.