Xây dựng nền nông nghiệp gia tăng giá trị
Giai đoạn từ năm 2009 - 2019, Đồng Nai đã tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm. Dù điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng không phù hợp với cây lúa, tỉnh vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và sử dụng giống mới. Tính đến năm 2019, diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt gần 59,8 nghìn ha, giảm gần 12,7 nghìn ha, giảm 18% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống mới nên năng suất lúa tăng 20%.
Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân nông thôn ở Đồng Nai đạt trên 55,6 triệu đồng/người, đưa Đồng Nai trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó có nhiều huyện chỉ còn dưới 0,1% hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương của tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho lợi nhuận tốt, có khả năng cạnh tranh cao. Năm 2019, toàn tỉnh có gần 107.000ha cây công nghiệp lâu năm như: điều, cà phê, tiêu, cao su... Diện tích cây ăn trái đạt trên 68.000ha, tăng trên 11.000ha, sản lượng tăng 32% so với năm 2009.
Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái
Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 12766/KH-UBND tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch này là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, toàn cầu; phát triển du lịch sinh thái, du lịch môi trường rừng, nông lâm kết hợp để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 2,8 - 3,2%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 3 - 3,5%; giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 - 155 triệu đồng/ha. Tỷ lệ giá trị ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 25%; tốc độ tăng năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 10 - 11%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 9%/năm.
Ngoài ra, đến 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong độ tuổi trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 11 - 12%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%. Trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đặt các mục tiêu khác như: diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 40%; tăng tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trong sản xuất lên trên 45%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt trên 45%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,3%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt từ 35 - 40%.