Bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt phục vụ sản xuất
Nước là nguồn tài nguyên quý giá và cần thiết cho mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo đời sống người dân, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ tháng 1.2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cùng lúc Quyết định số 297/QĐ-UBND về Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Quyết định số 298/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Các quyết định trên để các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác nước ngầm. Mục tiêu hạn chế khai thác nước ngầm quá nhiều sẽ gây cạn kiệt nguồn nước, đất đai bị sụt lún, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, bảo vệ nước mặt cũng rất quan trọng, vì hiện tại và tương lai nguồn nước này sẽ cung cấp chính cho sinh hoạt, sản xuất. Vì thế, đầu tư mới, nạo vét, sửa chữa nâng cấp các hồ đập để trữ nước cũng được Đồng Nai rất quan tâm. UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, cắm mốc để bảo vệ hành lang sông, suối trên địa bàn. Những nỗ lực trên sẽ giúp Đồng Nai bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm tốt hơn cho tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.
Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm nguồn nước tưới thông qua lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun, chuyển đổi sang những cây trồng sử dụng ít nước. Mặt khác, địa phương cũng triển khai công tác bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tạo nguồn, tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ nông nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 140 công trình thủy lợi đang hoạt động (gồm 19 hồ chứa; 56 đập dâng, 40 trạm bơm điện; 7 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, 4 kênh tạo nguồn và 14 kênh tiêu), phục vụ tưới 25.694ha (phục vụ 2, 3 vụ), tiêu và ngăn mặn 15.218ha, cấp nước 202.390m3/ngày đêm.
Sở NN - PTNT tỉnh đã và đang phối hợp các ngành, địa phương chủ động rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ, công trình thủy lợi trên địa bàn, chủ động phối hợp điều tiết nước hợp lý tại các công trình thủy lợi, đặc biệt tại các khu vực có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô: khu tưới đập Năm Sao, đập Đồng Hiệp, đập Vàm Hô (huyện Tân Phú); khu tưới hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ); khu tưới đập Lang Minh, đập Gia Liêu 1, đập Gia Liêu 2, đập Tân Bình 1, đập Tân Bình 2 (huyện Xuân Lộc), khu tưới đập Bàu Tre (huyện Long Thành)...
Phát huy nguồn lực đất đai, đa dạng sinh học
Tại tỉnh Đồng Nai, việc bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp là một vấn đề quan trọng. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống suy thoái và ô nhiễm đất như canh tác sử dụng đất hợp lí, chống bạc màu, nhiễm mặn, nhiễm phèn và bón phân cải tạo đất thích hợp... Cuối năm 2022, tỉnh cũng ban hành chính sách tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp, nhằm tối ưu hóa sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Với căn cứ quy hoạch sử dụng đất đến 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất của địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, là căn cứ để các địa phương (cấp huyện) quản lý và sử dụng các loại đất thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. Theo đó, có hàng nghìn ha đất nông nghiệp được chuyển sang đất phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại các địa phương. Điều này là phù hợp với thực tế đô thị hóa, công nghiệp hóa và định hướng phát triển chung của các địa phương có tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Cửu là địa phương có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 14,2 nghìn ha. Theo chương trình khuyến khích các địa phương chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng sản xuất theo hướng hữu cơ của tỉnh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu ứng dụng tốt các giải pháp bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; xử lý rác thải, từ đó góp phần bảo vệ nguồn đất, hạn chế thấp nhất sự ô nhiễm ngấm xuống lòng đất, từ đó phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo vệ tài nguyên đất – nước.
Triển khai dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, trong 2 năm 2023 – 2024, Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã triển khai 2 mô hình phát triển sinh kế cho người dân khu vực lân cận.
Cụ thể, mô hình nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây có múi và xoài được thực hiện tại 3 xã Mã Đà, Hiếu Liêm và Phú Lý, (huyện Vĩnh Cửu). Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, thống kê diện tích trồng xoài tại 3 xã là 2.800ha; diện tích trồng cây có múi là 700ha. Trong năm 2023, cán bộ dự án đã tổ chức 9 lớp tập huấn kĩ thuật cho các tổ sản xuất của địa phương về: ứng dụng công nghệ sinh học IMO, phân bón vi sinh, cách ủ phân hữu cơ và làm thuốc trừ sâu hữu cơ, kỹ thuật cải tạo đất trong trồng cây ăn quả. Mặt khác, 154 hộ tham gia dự án đã nhận được vốn vay để triển khai sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật với tổng số vốn 1,3 tỷ đồng.
Việc triển khai các mô hình sinh kế nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học là một hoạt động hỗ trợ giảm áp lực đa dạng sinh học cho các khu vực không phải vùng lõi trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai nhưng có mức độ ưu tiên cao về đa dạng sinh học. Thực tiễn cho thấy, đời sống của người dân từng bước được nâng cao thì ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đất – nước, bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư cũng sẽ nâng lên rõ rệt.