Những người lúc đó nghĩ anh Hạnh “khùng” giờ có lẽ sẽ phải nghĩ lại. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thị trường mua bán tín chỉ carbon đã dần nóng lên ở nước ta.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, dựa trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, đơn vị liên quan sẽ lên kế hoạch quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Đến năm 2025, thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ; thực hiện các hoạt động về nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành chính thức; trong đó, có quy định về hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon với thị trường khu vực và thế giới.
Tham gia thị trường carbon là cơ hội để Việt Nam tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon, mang lại lợi ích cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như cán đích “Net Zero”. Một báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới. Và quan trọng hơn phía sau những trị số đó nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Thời gian còn lại không nhiều trong khi để vận hành được thị trường tín chỉ carbon, các thách thức về mặt kỹ thuật vẫn là rất đáng kể. Từ những công việc ban đầu là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì, rồi đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải, theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán… Đặc biệt là việc tạo hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon… Tất cả những vấn đề này đều còn rất mới mẻ với nước ta.
Bởi thế, cùng với quyết tâm chính trị từ các lãnh đạo cao nhất, cần có một kế hoạch hành động chi tiết ở cấp ngành và sớm hình thành các điều kiện cần thiết để vận hành thị trường tín chỉ carbon. Có như vậy, những lợi ích kể trên mới thành hiện thực và theo chân anh Hạnh, rất có khả năng phong trào đầu tư trồng rừng sẽ tăng mạnh ở nước ta...