Theo Chủ tịch HASINBA Nguyễn Hoàng, thị phần các linh phụ kiện để sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nhiều ngành nghề như điện tử, ô tô, kinh tế biển, linh phụ kiện y tế mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải nhập về Việt Nam lên tới con số hàng trăm tỷ USD. Đây là thị phần rất lớn và doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm thực hiện, chiếm lĩnh thị phần này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn hợp tác với các đối tác quốc tế trong đó có doanh nghiệp TP. Tô Châu - Trung Quốc.
"Có nhiều việc cụ thể mà chúng ta có thể hợp tác để chiếm lĩnh thị phần lớn trong khu vực ASEAN và thế giới. Có thể kể đến như doanh nghiệp Trung Quốc đưa dây chuyền công nghệ và hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất. Thứ hai là các bạn đưa các linh phụ kiện thô nhập khẩu vào Việt Nam để từ đó cùng nhau sản xuất ra thành phẩm, xuất bán ra các thị trường. Thứ ba là các quy trình sản xuất, mà các bạn đã tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đơn hàng sẵn có thì có thể hợp tác cùng chúng tôi để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu", ông Nguyễn Hoàng nói.
Tại Hà Nội, HASINBA sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để cùng doanh nghiệp đối tác sản xuất. Hà Nội có các khu công nghiệp chuyên sâu cho công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Các khu công nghiệp này phát triển theo hệ sinh thái thế hệ mới với đầy đủ tiện ích đủ để phục vụ theo chuẩn mực cho các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng đủ trình độ đứng các dây chuyền sản xuất công nghệ cao hợp tác cùng các đối tác từ Tô Châu - Trung Quốc.
Quyền Hội trưởng Hiệp hội xúc tiến thương mại doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Tô Châu (Trung Quốc) Pan DongMing cho biết, xét về lợi thế địa lý, doanh nghiệp ở Tô Châu cũng có lợi thế rất lớn vì Tô Châu gần Thượng Hải và các cảng biển. Nếu hàng hóa xuất khẩu, vận chuyển đường biển từ Thượng Hải tới Hà Nội chỉ mất 1 tuần. Còn nếu vận tải đường bộ lợi thế lớn hơn nữa, chỉ cần 2-3 ngày là có thể cập cảng.
“Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là lợi thế rất lớn mà doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác. Ngoài ra, lợi thế khác nữa là môi trường đầu tư của Việt Nam rất ưu thế”, ông Pan DongMing chia sẻ.
Về đề xuất đưa các sản phẩm bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam để tiếp tục lắp ráp, ông Pan DongMing cho rằng, giá thành vẫn sẽ là rất cao. Do đó, để hợp tác, SITC sẽ cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng phần nào trong chuỗi sản xuất. Nếu phần nào đó ở Việt Nam chưa đáp ứng được, doanh nghiệp SITC sẽ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất phần đó. Như vậy vừa có thể gia tăng năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Trong khuôn khổ Lễ ký kết đã diễn ra hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp. Tại đây, doanh nghiệp của SITC và doanh nghiệp của HANSIBA đã cùng nhau chia sẻ về những thông tin về doanh nghiệp, tiềm năng, lợi thế mà hai bên có thể hợp tác.